1 tháng 7, 2015

Sau một cơn mơ

Những ngày này tôi mơ nhiều, hầu như đêm nào cũng mơ, phần lớn các giấc mơ đều về thời còn đi học. Phần lớn chúng đều mệt mỏi, áp lực, sợ hãi. Tôi không còn nhớ nhiều lắm những giấc mơ ấy vì hầu như khi tôi tỉnh còn rất sớm, nhưng chán ngán với mớ ký ức đó, tôi lại vùi mình ngủ tiếp, rồi chúng dần bị xóa sạch. Nói chung, theo tôi nhớ láng máng, thì rất nhiều lần trong những giấc mơ tôi băn khoăn không biết ngày mai học môn gì, mang sách vở nhầm thời khóa biểu, những bài vở quấy quả chưa làm xong trong nhiều ngày đang được ém nhẹm giấu giếm và đợi chờ ngày phán xét từ giáo viên. Cũng phải nói thêm rằng, thời đi học với điểm số cao ngất, tôi hiếm khi rơi vào những rắc rối kiểu vậy. Nhưng ở góc độ nào đó, thì nỗi sợ hãi tiềm thức chính là ở những điều như vậy, nên tôi có vẻ, trong thực tế, đã làm mọi cách để tránh khỏi những điều đó.

Những ngày này, việc dạy học sinh cũng áp lực không kém, các em bị mắc kẹt giữa quá khứ và tương lai. Quá khứ quá mong manh, không có đường hướng, tương lai thì quá nhiều áp lực. Nó là thứ áp lực bỗng nhiên từ trong óc của các vị phụ huynh bay xuống đầu chúng nó, một cách không có tổ chức, không có thứ tự, không có khoa học, không có logic nào cả. Thứ áp lực đến từ xã hội, từ tham vọng, trá hình tình yêu nhưng lại chẳng có chút dính dáng đến khả năng và sự đặt câu hỏi hay trăn trở về chính khả năng và mong muốn sâu thẳm của bản thân đứa trẻ, phần lớn chúng chẳng biết mình muốn gì hay thích gì, à mà nếu có thích, niềm thích thường bị vùi đi rất nhanh. Và tôi ngu ngốc mờ mắt vì đồng tiền bát gạo, vơ lấy vào mình việc cùng chúng nó gánh lấy cái áp lực đó. Tuy nhiên, các vị phụ huynh cũng từng là những đứa trẻ như vậy. Họ đã từng yếm thế, từng mông muội, từng rối ren về đường đi nước bước trong chính con đường học tập và trưởng thành của mình, có thể họ cũng không được học nhiều, sự học đã từng rơi rớt trong một cơn chạy loạn chăng? Giờ họ một lần nữa bấn loạn trong cuộc chạy loạn giáo dục, vớ lấy bất cứ thứ thì có thể vớ được, rồi cắp đi trên đường chạy loạn.

Nhưng đêm qua thì khác, giấc mơ của tôi vui vẻ biết nhường nào, dù vẫn có bạn tôi, thầy tôi và người yêu tôi, à mà bạn đã biết chưa, người yêu tôi cũng là bạn học cấp 3 của tôi. Nó là một lần rất điển hình trong tất cả những niềm vui thời đi học của tôi gom lại: khi thi xong hết tất cả môn, nhưng chúng tôi vẫn đến lớp, thầy trò chủ yếu lên tám chuyện hoặc chơi cái gì đó, tùy hứng. Hôm đấy là một ngày thứ bảy, thời khóa biểu vẫn có đôi ba môn học, nhưng tôi chọn một quyển vở còn nhiều trang trắng, những bài vở quấy quả đã bị xé đi hết cả, ý tôi muốn cầm theo phòng hờ, nếu đọc được tác phẩm hay từ quyển truyện mang ở nhà đi, hoặc gặp chuyện gì hay ho ở lớp, tôi sẽ viết vào cuốn vở. Tôi gọi điện cho đứa bạn từ xa xưa, < thực tế đã từng có thời chơi rất thân với nó vì tôi và nó cùng nhỏ bé, cùng ngồi bàn đầu, rồi hai đứa chẳng chơi nữa hình như vì tôi chịu hết nổi sự rầu rĩ và yếu đuối của nó, nghe đâu sau này nó phải tạm nghỉ học để điều trị tâm lý vì stress quá mức> hỏi nó cụ thể hai cái môn học còn lại tôi không sao biết được là môn gì và cần chuẩn bị những sách vở gì, cuộc nói chuyện sau đấy tôi chẳng rõ. Chỉ có điều đến lớp, tôi đã hát mãi câu "I miss your voice" theo nhịp điệu của bài Yellow submarine (The Beatles). Những buổi học "chơi là chính" sau kỳ thi, bọn tôi được phép ngồi lộn xộn tùy theo ý thích của mình. Lớp học trong mơ ấy đông ngộn những đứa bạn cũ cả thời cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Tôi vừa hát hò, vừa đảo mắt nhìn khắp chúng nó. Có những đứa vẫn đang nằm sóng soài ra bàn, ánh mắt lơ mơ, thân hình gầy gò mệt mỏi, một kiểu tâm trạng thờ ơ với thực tại, chả mong muốn gì nhiều, dù là đang học hay vừa thi xong. Thầy giáo tôi vào lớp, hỏi vài đứa, bài thi hôm rồi làm được không. Tôi có vẻ hớn hở nhưng cũng không vội vàng khoe khoang rằng mình làm được, thì khi thầy qua rồi, một đứa ra vẻ hiểu đời, phán với những đứa ngồi quanh "đứa hay được 3, 4 mà chúng nó làm được nhiều, thì phần khởi nghĩ rằng chúng sẽ được 5, 6, những đứa học giỏi, nếu chúng được 9 thì chúng sẽ rầu rĩ, thật tệ, ta chẳng được điểm 10 rồi". Cuối cùng, khi lớp đông kín hết chỗ, tôi thấy người yêu tôi ngồi ngoe nguẩy ngay bàn trên. Tôi nói câu gì với lên chọc anh ta, anh ta đáp chưa kịp hết lời thì hồn nhiên chọc một đứa khác cùng bàn tôi, bỏ lại tôi bắt đầu trò giận hờn . Lúc này, thầy giáo mở một phim kinh điển mà tôi khao khát được xem từ lâu trên màn hình TV rất to cho cả lớp cùng xem. Tôi quên cơn giận, ngấu nghiến mắt dán vào bộ phim thầm thán phục thầy tôi đến cả lúc giải trí cũng có những lựa chọn thật tuyệt vời. Rồi tôi thức.

Ông thầy tôi, tất nhiên cũng là ông thầy có thật ngoài đời mà tôi từng theo học. Ổng có đôi mắt một mí, thường nheo lại, mặt bị rổ nhiều, ngày xưa khi tôi mới đi học ổng, tôi thấy ổng có vẻ ngoài vừa dữ dằn, vừa đểu cảng. Ổng thường hay nói móc, nói kháy. Ổng có mặt chữ điền, dáng người rất cao lớn. Ngày tôi chia tay thầy trong bữa tiệc cuối năm của lớp, ổng ghé vào tai tôi, nói "Con nhất định phải ôn thi TOEFL ngay khi vào Sài Gòn". Sau này dần dà tôi hiểu ý ổng là gì, nhưng khổ nỗi tôi không bao giờ thực hiện được cái mong muốn của thầy tôi, nên mỗi lần về quê, tôi ngại, không dám đến thăm thầy một lần nào cả. Qua đứa em tôi, nó kể lần nào đến thăm thầy cũng hỏi Ngọc, hôm rồi thầy hỏi "chị Ngọc lấy chồng chưa, thầy làm mai cho anh học trò của thầy, ảnh giỏi lắm".

Những ngày này, loáng thoáng giữa những áp lực và đuối lòng, tôi vẫn luôn mơ hồ vẩn vơ nghĩ về cái gọi là đam mê. Suy cho cùng thì chuyện là một người không bao giờ có thể sống trọn vẹn bằng đam mê của mình hay cái gì có thể tạm gọi là đam mê là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, nó là cái rủi ro như kiểu kiếp này sinh ra sẽ là cái cây, hay là con mèo, con gián, hay là con người. <À mà không, cũng chả phải rủi ro, là nhân quả từ trước cả>. Và ở cái xứ này, thì khả năng kia là cao hơn bất cứ một quốc gia nào. Đôi khi, khi con người ta đủ sức nhìn ra đường đi, rằng chỉ có đam mê mới có thể khiến ta có thể đẩy lùi cơn buồn chán, chỉ có đam mê mới giúp ta có thể miệt mài trên con đường của mình, thì hóa ra, ta lại không có đủ nhiều sự lựa chọn để đi theo nó. Cái chuyện đói khát, chuyện kỳ vọng của bố mẹ, hay chuyện ta phải dừng việc cưới xin do sự nghèo khổ đem lại khi bám riết lấy cái đam mê ấy là chuyện nhỏ, cái chuyện đủ dũng cảm mới là chuyện lớn, dũng cảm để bám ríu cuộc đời này vào một thứ khởi sinh từ niềm thích vô cùng mông lung, mông lung như chẳng có gốc tích, chẳng có bồi đắp, người ta có thể hóa dại vì chết trên một mớ viển vông và những bản thảo kém hấp dẫn chứ chẳng chơi.

Cuối cùng tôi nghĩ dù rằng chuyện đam mê nó cũng quan trọng, nhưng có một thứ khác cũng quan trọng, nếu không muốn nói là hơn rất nhiều, đó là vị trí mà số phận này đã sắp đặt để ta có thể làm bổn phận của mình với nó, nó không phải là sự đầu hàng với tính ổn định hay những cơm áo vặt vãnh mà là thức thời để nhận biết được thứ ý nghĩa mình có thể tạo ra trong cuộc sống này, mình sẽ đóng vai trò nào bên trong nó, sẽ làm việc vì cái mục tiêu hay ý nghĩa nào, bằng tất cả những thế mạnh mà cuộc sống này đã đào luyện cho mình. Tôi thấy ý nghĩa của mình nằm trong ánh mắt của em thơ, trong sự đổ nát bào mòn của nền giáo dục này, trong việc giúp đỡ và chia sẻ với các em, trò chuyện với các em như thể xem chúng là những cá thể đáng quý và có đầy đủ quyền được hạnh phúc được lựa chọn về mọi điều trong cuộc sống này. Và tất nhiên, tôi cũng còn nợ cả thầy tôi nữa, nợ cuộc sống này tình yêu cùng bao điều tốt đẹp khác.

1 nhận xét:

  1. Nè bà, tui đang bị công việc nén quá mức. Đến nỗi chẳng còn thấy đam mê nữa. Viết tui cũng hết viết nỗi. Tui sợ cảm giác này cực kỳ. "Sau một cơn mơ" của bà mở ra cho tui cách nghĩ khác... Bổn phận và số phận.
    Bà bảo trọng nhe. Giá như bữa nào bà lạc niềm Tây. :P

    Trả lờiXóa