31 tháng 7, 2015

Những chi tiết

Sau một ngày mưa tầm tã, lích rích suốt từ chiều cho đến tối, sáng ra thấy mặt trời sáng lòa trên khung cửa sổ, mọi thứ mát trong và tươi tắn, tôi nhìn ra những rặng cây bên nhà hàng xóm với mấy chiếc lá lấp lánh còn loang loáng nước, tôi xoạc rèm cửa sổ ra hết mức rồi nói với em "trời đẹp thế này thì giống Gia Lai lắm nè". Tôi ước có thể chăng mắc vào những câu văn của mình thật nhiều hoa cỏ, thật nhiều so sánh liên tưởng, thật nhiều hương thơm và sự sắp đặt như Marcel Proust đã làm, nhưng hiển nhiên là tôi chưa đi vào thiên nhiên đủ nhiều đến thế, ký ức của tôi chưa đủ sâu đến thế.

Hôm qua tôi cho các em làm một bài tập vui thế này, mỗi người sẽ lần lượt xoay vòng viết thêm một câu văn vào câu chuyện chung, câu sau phải logic với toàn bộ mạch truyện phía trước, khi người này đang viết thì người khác không được nhìn, các em hưởng một niềm vui của sự bất ngờ liên tục khi không biết tình tiết mà mình đã thêm vào vài phút trước đó giờ đã diễn biến đến mức nào khi qua tay của khoảng 4-5 người khác gồm cả tôi. Trò chơi kết hợp liên tục giữa cái sáng tạo và ngẫu nhiên, giữa thực tế và trừu tượng. Có khi một tình tiết quái gở kỳ cục được thêm vào kiểu như này "One day, no one knew why all people in the world died." khiến cô bé tiếp theo lắc đầu lè lưỡi bảo, "Cô ơi, câu này vô duyên quá cô, con không muốn viết thêm câu gì sau khi đọc câu này cả." Rồi tôi, tất nhiên lúc nãy cũng không được đọc câu liền trước là câu gì, bèn bảo "cố lên con". Cuối cùng, cô bé viết tiếp thế này "Everyday, one by one died." Sau đó đến lượt tôi, khi đọc toàn bộ diễn tiến câu chuyện đã xảy ra trước khi đến lượt mình, thì cười xòa vì sự thú vị này. Có những câu văn không khiến cho tình tiết truyện thay đổi, không tạo ra bất cứ điểm rẽ ngoặt hay nút thắt bất ngờ nào, nhưng lại có vai trò cực kỳ to lớn trong việc đem đến người đọc một thế giới có thực như đang diễn ra trước mắt, chậm rãi, xúc tiến từng bước như một bộ phim.

Văn chương của Proust trong mắt đọc của tôi trước hết mang một sức nặng lớn bởi cũng chăng mắc vào đó một lượng đồ sộ các chi tiết cho từng diễn tiến nhỏ, không chỉ ở việc miêu tả mùi hương và màu sắc cùng với hình ảnh và sắp đặt, mà còn đem vào đó tất cả những suy nghĩ liên tưởng của nhân vật khi nhân vật ấy đang ở trong cảnh huống đó. Tuy nhiên, việc một người có thể thích thú tiếp nhận nó hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào trải nhiệm bản thân và trí tưởng tượng của người đọc ấy, bao hàm trải nghiệm cả về mặt kinh nghiệm đời sống, cảm xúc và trải nghiệm hình ảnh.

Ví dụ một người đọc đủ nhạy cảm, sẽ thấy đoạn viết về chú bé nhân vật "tôi" khao khát đợi mẹ lên hôn chúc mình ngủ ngon có sức gợi hình và gợi cảm đến thế nào, về tình mẫu tử được thể hiện ở một chú bé nhạy cảm quá mức, việc này Proust đã mô tả suốt từ trang 31 đến trang 61 với những đoạn điển hình như "lời chúc ngủ ngon đó qua nhanh, bà đi xuống vội đến mức thời điểm tôi nghe thấy bà đi lên rồi thoáng qua trong hành lang hai tiếng cửa sột soạt khe khẽ của chiếc áo sa mỏng màu xanh lơ mặc khi ở ngoài vườn, trên áo có buông những dây bằng rơm tết, đối với tôi là một thời điểm đau đớn."; "tôi để mình nhập vào cái đêm êm ái đó khi có mẹ tôi bên cạnh. Lúc ấy tôi đã biết rằng một đêm như vậy sẽ không bao giờ còn trở lại; và rằng cái ước muốn lớn nhất của tôi có thể có trên đời này, giữ mẹ tôi bên cạnh mình trong những giờ đêm buồn bã quá là ngược với các tất yếu của cuộc sống và của mọi người..."

Tuy nhiên, một đoạn viết tả cảnh dẫu biết là đẹp và sống động đến thế nào như trang 156, 158-160 thì tôi cũng khó lòng kiên nhẫn đợi chờ cảnh vật xuất hiện đủ hình dạng và sắc độ của nó trong trí tưởng tượng của mình, vì tôi tuyệt đối không biết gì về những loài hoa mang tên sơn tra, mào gà, tử đinh hương, dã tường vi, hoa dơn - xương bồ. Nhưng tôi tin chắc rằng một vị độc giả yêu thiên nhiên đồng thời được sinh ra/ từng đi qua hay có nhiều ký ức sâu sắc với những vùng cỏ cây ở Combray chắc hẳn xúc động, và những đoạn văn của Proust sẽ khiến họ ồ lên "Đúng nó đây!"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét