24 tháng 2, 2015

Đọc Bảo tàng ngây thơ của Orhan Pamuk



Tôi không nhớ rõ mình đã mua Bảo tàng ngây thơ từ khi nào, có lẽ vào khoảng tháng 11 hoặc tháng 12, thời điểm này tôi khá rủng rỉnh tiền bạc, trong một lần ghé Nhã Nam và bắt gặp cái tựa sách đã được nghe nói đến nhiều từ các bạn văn của tôi (dù từ này không chính xác lắm). Rồi cứ thế xen giữa những ngày tháng dạy học miệt mài của mình, tôi dành ít phút ngắn ngủi trước khi ngủ vào ban đêm hoặc trước khi nghỉ trưa đọc vài trang (thực ra xen giữa giai đoạn này, tôi vẫn đôi phần đọc xen vào những cuốn khác như Kẻ ích kỷ lãng mạn, một ít Trốn chạy, một ít Thực dưỡng Osawa…).  Cho đến trước khi về Tết tôi vẫn chưa đọc Bảo tàng ngây thơ được đáng kể là bao.


Khoảng 1 -2 ngày đầu của Tết, tức là 28 và 29 Tết, tôi đọc rất nhanh cuốn Nhà giả kim (có lẽ tôi sẽ viết về cuốn này sau vậy). Rồi tôi trở lại với Bảo tàng thơ ngây suốt từ hôm 30 Tết cho đến hôm nay là mùng 6 Tết. (Tất nhiên, giữa quãng này vẫn có những lúc tôi đi chơi với gia đình, bạn bè, những lúc tôi ngồi dịch sách, xem phim, phụ ba mẹ những chuyện nấu nướng, cúng kiếng và dọn dẹp mấy ngày Tết, những lúc tôi nhớ người yêu, chat với người yêu, đi chơi với người yêu hay tôi ngủ nướng, tôi tập thể dục, tôi bấn loạn vì chuyện học hành và tương lai) Cuối cùng, vào lúc 11h30 tối mùng 6 Tết tôi đã đọc xong Bảo tàng ngây thơ. Tôi thấy như thể đó là một kỳ tích vậy, có một sự lê thê, dày đặc, mỏi mệt, nó như thể một cuộc tra tấn thần kinh, lặp đi lặp lại, sự đấu tranh giữa việc mong muốn rốt cuộc tại sao cuốn tiểu thuyết này lại được yêu mến đến vậy với việc phải dính mắt vào từng con chữ, từng tình tiết rất miên man, kỹ lưỡng, chi li đến phát khùng lên được.

Với tư cách là một người thích viết lách, tôi đọc một quyển fiction với hai mục đích chính, một là tư tưởng mới của nhà văn là gì (Vì theo tôi, rốt cuộc đằng sau mỗi tiểu thuyết, nếu không có tính giải trí gì đặc biệt có thể gây cười hay thỏa mãn với thời cuộc bằng hiện thực chung mà chưa một ai cất lên tiếng nói mô tả, thì bắt buộc nó phải có một tư tưởng mới, một góc nhìn mới) và hai là cách mà nhà văn kể chuyện hay cách mà nhà văn đó sắp xếp các tình tiết và khai thác các tình tiết bằng thủ pháp nào.

Đọc khoảng 3/5 cuốn truyện, tôi thấy ngao ngán và mệt mỏi vô độ. Nói về tư duy chính, tôi chưa thấy điều gì mới, nó chẳng khác nào một thứ ngôn tình (chỉ có điều là ngôn tình châu Âu), sến rện, sướt mướt, lâm li bi đát, rồ dại như một kẻ si tình mới yêu lần đầu và xem người mình yêu là thánh nữ có một trên đời. Về cách kể chuyện, nó không khác chi là đi vào miêu tả nhỏ nhặt từng li từng tí. Nó là sự ken đặc của biện pháp miêu tả, miêu tả con người, đồ vật, cảm xúc. Nếu ai đó có đủ ngôn từ và đủ sự kiên nhẫn và bền bỉ, có lẽ đều có thể viết được như thế. Nó giống kiểu ta ăn một bữa tiệc cao lương mỹ vị nhưng thừa mứa và sắp nổ tung đến nơi vì ăn quá nhiều.

Đọc 2/5 còn lại, tôi nhận ra rằng, tất cả những mệt mỏi và quằn quại đã qua giúp nhà văn đẩy người đọc vào cùng một guồng cảm xúc với nhân vật chính, hiểu rõ tâm tư tình cảm và tất cả những khao khát, nỗi đau và hạnh phúc mà nhân vật chính phải trải qua. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện tình giữa chàng Majnun và nàng  Layla (1)  giữa thời hiện đại, cho người ta được phép tin một lẫn nữa vào cái gọi là tình yêu, vào độ dài, sự bền bỉ và sức chịu đựng của nó – điều mà ngày nay người ta thường dễ dàng tráo đổi với những an toàn về mặt vật chất, tiếng tăm, lề thói hay với những cảnh báo xã hội về mặt thời gian như kiểu: già rồi, ế rồi, thôi thì người đó cũng tốt mà, dễ gì gặp được người như thế, v.v…

Điều thứ hai, về tư duy của truyện, chúng ta hãy đặt câu hỏi rằng, hạnh phúc là gì? Có phải là ở việc đạt được các mục tiêu của đời mình, có một gia đình toàn mỹ, thu nhập tốt, nhà lầu xe hơi, những đứa con đẹp và thông minh, trở nên nổi danh hay có nhiều tiền là hạnh phúc? Việc bạn trả lời cho câu hỏi này là “Có” cũng chẳng có gì sai. Nhưng ở một khía cạnh khác, một tư duy khác mà tôi đồng ý với nhân vật chính của truyện, hạnh phúc nó là ở việc ta dám sống với tất cả những cảm xúc của trái tim mình, hết mình và trung thành với nó đến cuối cuộc đời, dẫu cho trong từng giai đoạn, nó có thể ở dưới dạng chờ đợi – thấp thỏm – đau khổ tột cùng – và cả thực sự hạnh phúc, mãn nguyện, chơi vơi. Hoặc nói một cách khác, thì hạnh phúc chỉ có thể cảm nhận đầy đủ nhất nếu nó được trải qua cái khổ, đi ra từ trong cái khổ, không thể khác được. Sự thiền và nhẫn nại, quan sát bản thân, quan sát người mình yêu và tất cả bối cảnh xảy ra xung quanh, vượt qua tất cả những khó chịu đó, (thật sự cái quá trình đau khổ này được miêu tả trong truyện, nó không khác gì so với một quá trình thiền được phóng đại lên, và như vậy, cả đời sống này – với một người thành công mà nói – thì nó chẳng khác gì một cuộc thiền lớn kéo dài 70 năm) khiến cho hạnh phúc được đẩy lên đỉnh điểm. Và cái ghê gớm của truyện này là ở chỗ, dù kết thúc ở bi kịch như Romeo và Juliet hay Majnun và Layla, nhưng với việc sống hết mình cho tình yêu của mình, cuối truyện, nhân vật chính đã nói (và tôi tin tưởng sâu sắc như thế) rằng:
“tôi đã sống một cuộc đời hạnh phúc!”

Điều thứ ba, có lẽ ít người sẽ có cảm nhận giống tôi như thế này sau khi đọc xong truyện, với vấn đề tình dục trước hôn nhân, người trẻ phải cân nhắc. Tất nhiên, là một người trẻ (tự cho mình) có tư duy cấp tiến, hiện đại và ảnh hưởng Âu Mỹ, tôi không có ý muốn nâng quan điểm về vấn đề trinh tiết (để rồi xã hội và chính người phụ nữ phải làm khổ người phụ nữ vì cái tư tưởng cổ hũ ấy), mà ý tôi rằng, sự cẩn trọng trong tình dục cho phép ta tránh được sự nhầm lẫn giữa tình yêu và tình dục, giúp ta cân nhắc được sự hấp dẫn và quyến rũ này là do ta yêu người đó trong toàn bộ, tâm hồn – tính cách – phẩm chất – quá khứ tương lai – vóc dáng hình hài, hay là ta đang bị cái bản chất dục của giống nòi chi phối. Tình dục chỉ nên là biểu hiện cuối cùng của một tình yêu chín chắn, hiểu rõ và giao hòa sâu sắc giữa đôi bên về mặt tình cảm, tâm hồn. Sự dễ dãi trong trong tình dục làm mất đi sự nhạy bén của trái tim và sự tinh tế của bộ não trong việc phát hiện ra người bạn đời thực sự của mình.

Tuy nhiên, về điều thứ ba, bạn đọc hãy cẩn thận, ở một phương diện khác, tình dục cũng là chỉ báo thú vị như thế này: khi hai người (có lẽ) yêu nhau, việc có thể nghiệm về tình dục giúp người ta có thể dễ dàng loại bỏ nó ra khỏi sự nhầm lẫn của mình trong sự quyến luyến - hấp dẫn và nhớ nhung của tình yêu, kiểu như là sau khi đã trải qua việc đó, hai người còn ở lại với nhau hay không là do chính bởi tình yêu của họ. Đọc hết truyện và so sánh giữa 3 trường hợp  Kemal - Fusun, Kemal - Sibel và Mehmet - Nurcihan, bạn sẽ hiểu.

Sau truyện này và sức nặng của nó, có lẽ tôi phải cho phép mình nghĩ giữa quãng và xen vào những cuốn khác trước khi đọc các tác phẩm vốn đã rất nổi tiếng của Orhan Pamuk như: Tên tôi là Đỏ hay Những màu khác, v.v…
-----------------------------------------------
Layla và Majnun: Qays ibn al-Mulawwah là nhà thơ người Bedouin yêu Layla ibn bint Mahdi Sa'd là người cùng bộ lạc. Chàng trai làm thơ ca ngợi tình yêu dành cho Layla. Sau đó chàng xin phép bố của Layla để cưới cô làm vợ thì bị từ chối vì theo phong tục của bộ lạc, điều này sẽ làm chia rẽ bộ tộc. Sau đó Layla được gả cho một người đàn ông khác. Khi nghe tin Layla sắp lấy chồng thì Qays liền bỏ nhà đi vào sa mạc, người thân và gia đình hết sức thuyết phục chàng nhưng không thể, họ đành để đồ ăn cho chàng giữa sa mạc. Đôi khi họ nhìn thấy chàng đang đọc thơ về Layla cho chính mình hoặc dùng gậy viết thơ lên cát. Còn Layla theo chồng về Iraq, sau một thời gian đã đổ bệnh và chết. Sau đó một thời gian người ta cũng tìm thấy xác của Qays nằm trên mộ của một người phụ nữ không rõ danh tính. Chàng đã viết ba dòng thơ cuối cùng lên phiến đá trên mộ. Phần lớn thơ của Qays ibn al-Mulawwah được viết trước ngày chàng trở thành người điên. Người đời hiểu rằng Qays trở thành điên là vì tình, bởi thế họ gọi Qays là “Chàng điên Layla” hoặc đơn giản là Majnun (nghĩa là “chàng điên”).

Tranh: Sacrifice of Isaac - Caravaggio, 1598, được nhắc đến trong truyện, và do tính chất đau khổ được thể hiện trong bức tranh mà tôi thấy phù hợp để minh họa ở đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét