30 tháng 12, 2014

Đọc Luận về yêu của Alain de Botton

Đã từng yêu như sét đánh? Đã từng cuồng say trong sự nhìn người mình yêu như một thiên thần? Rồi đi qua hết những cung bậc, một ngày khi hiểu rõ tất cả… khi mọi thứ trở nên quen thuộc đến lặp lại nhàm chán… rồi người thứ ba xuất hiện. Giá có hai người thứ ba xuất hiện cùng lúc thì tốt. Nhưng thường thì, sẽ có một người đóng vai kẻ phản bội, một người tự hỏi, sao số tôi khổ thế này, sao chuyện này lại rơi vào tôi. Tôi không còn muốn sống nếu không có anh/ em trên đời nữa, cuộc đời sao nghiệt ngã truân chuyên quá.
Những ảo ảnh của ngày hôm qua như một con lạc đà lê bước qua những ốc đảo xinh đẹp trên sa mạc của quá khứ, tiếc nuối và không thể tin vào thực tại, đến nỗi muốn tự tử đi được. Rồi thời gian qua đi, mọi chuyện nhạt nhòa dần, con lạc đà cũng dần trút được những hoài niệm, sau khi mệt lử, nó cũng bắt kịp với thực tại. Ta lại đứng lên khỏe khoắn, và yêu sao cái nắng chủ nhật tự do, yêu sao công việc mỗi ngày và gặp những con người mới. Rồi những tình yêu mới lại bắt đầu.
Vậy điều gì dẫn tình yêu đến một hôn nhân, và tình yêu nào sẽ chết. Tại sao người ta hay nói, yêu cho lắm vào, yêu đến đê mê đắm đuối rồi chia tay đau khổ, và có những tình yêu chín chắn lại dẫn đến hôn nhân. Trong Luận về yêu của Alain de Botton có một đoạn như thế này:
“Triết lý của tình yêu chín chắn … chất đầy sự ôn hòa, chống lại sự lý tưởng hóa, hoàn toàn không có lòng ghen tuông, khổ dâm hay ám ảnh, nó là một hình thức của TÌNH BẠN với một chiều kích tính dục, DỄ CHỊU, THANH THẢN, VÀ ĐƯỢC HỒI ĐÁP. Tình yêu non nớt, trái lại, là câu chuyện về sự bấp bênh hỗn loạn giữa hai bờ LÝ TƯỞNG HÓA và NỖI THẤT VỌNG, một trạng thái chòng chành nơi cảm giác đê mê và hạnh phúc pha trộn với ấn tượng về chết đuối và buồn nôn thốc tháo. Đỉnh điểm của tình yêu non nớt nằm ở cái chết, theo cách biểu tượng hay hiện thực. Cực điểm của tình yêu chín chắn là hôn nhân, và nỗ lực trách cách chết bằng lệ thường. Tình yêu non nớt không chấp nhận thỏa hiệp…”
Và như thế, đừng tưởng những tình yêu nồng cháy nhưng dang dở là điều gì tiếc nuối, vì kết thúc là điều hầu như chắc chắn ở những tình yêu kiểu như vậy. Và không phải sự dịu dàng, ấm áp, chừng mực, thực tế, được xây dựng từ những tình bạn chân thành, lâu năm, một sự thấu hiểu, gắn bó trong yên ổn là nền tảng để đi đến một hôn nhân nồng nàn sao?
Như đã từng nói, để sáng suốt hơn trong tình yêu, hiểu rõ hơn về tình yêu, phải đọc triết lý về tình yêu. LUẬN VỀ YÊU của Alain de Botton là một trong số đó. Quyển sách đã đi qua tất cả những cung bậc ấy, gây ra một sự đồng cảm sâu sắc trong tôi, nhất là đoạn phản bội và tan vỡ, thời kỳ quyết tâm không yêu ai nữa rồi hồi phục và đồng thời cũng khai sáng phần nào lí do của tất cả những cái gọi là “tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi? Tại sao thực tại lại đau lòng đến thế?”
Dù gì thì, ta cũng sẽ lại yêu thôi.

7 nhận xét:

  1. Đoạn Ngọc viết về định nghĩa tình yêu, đọc hoài mà ko hiểu. Chắc tại chị ít đọc sách quá. Nhưng đọc xong lại thấy an ủi với tình cảnh hiện tại ngang trái của mình: yêu người có vợ và tuyệt vojgn đến mức ko còn yêu ai đc nửa rồi.
    Chúc Ngọc tuần mới vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đâu có viết đoạn nào về định nghĩa của tình yêu, phải chăng đó là trích đoạn của Alain de Botton trong Luận về yêu. Đại ý, người ta cứ tưởng rằng những tình yêu trong mê đắm dạt dào mới là tình yêu thật sự, tuy nhiên, trong tình yêu này, người ta hay có xu hướng “lý tưởng hóa” , tức là xem mọi thứ mọi điều về người mình yêu là tuyệt vời, lung linh, điều này đặc biệt xảy ra ở giai đoạn đầu, sau đó, khi quá quen rồi, người ta bị thất vọng, nhàm chán (cho nên gọi là “sự bấp bênh hỗn loan giữa hai bờ lý tưởng hóa và nỗi thất vọng), chính bởi cái ấn tượng kiểu đâm sầm vào nhau, không kiểm soát được, không thể dừng yêu được, muốn có bằng mọi giá, muốn sở hữu đồng thời cũng sợ mất, sợ bị thất vọng (chính sự lý tưởng hóa nó dễ dẫn đến sự thất vọng, bởi suy cho cùng làm gì có ai lý tưởng, ai cũng như ai cả thôi, và một khi biết nhau quá rõ, sự nhìn nhận rõ và dẫn đến thất vọng là điều chắc chắn), cho nên gọi là “cảm giác đê mê và hạnh phúc trộn lẫn với ấn tượng về cái chết đuối và buồn nôn thốc tháo”, nếu có ai đó đã từng trải qua cái đau khổ ở một tình yêu vốn đã từng rất nồng cháy, thì quả thật, có những lúc trạng thái đau khổ đó như là “sự chết đuối” và “buồn nôn thốc tháo”. Cuối cùng, kết cục của những tình yêu non nớt kiểu vậy là chia tay thôi. Quá trình ấy dường như diễn ra quá phổ biến.
      Ngược lại, nếu có thể vượt qua cái đam mê hời hợt và thất vọng sớm chiều ấy, yêu nhau bằng một tình bạn chân thành, thấu hiểu, cảm thông, quý mến, tôn trọng, thì nó sẽ rất bền, tuy nhiên, tình cảm ấy khác với tình bạn thân ở chỗ nó có tình dục thôi, cho nên tác giả mới nói đó là “một hình thức của tình bạn với một chiều kích tính dục”. Tình bạn ấy cho ta cảm giác “dễ chịu, thanh thản”, kiểu như nó luôn ở đó khi ta cần, là chỗ dựa vững chắc, chứ không phải là thứ ta phải đuổi theo, phải níu kéo, phải thấy mong manh dễ vỡ, phải ghen tuông, hay phải thấy đau khổ tột đỉnh và tự trách đó là số phận hẩm hiu của mình (cái này có nghĩa là “khổ dâm”).

      Xóa
  2. Về chuyện yêu người có gia đình, những người đã từng trong cảnh ấy, sẽ thường nghĩ rằng tình yêu nào đâu có tội, và nhất là với những người tử tế, họ sẽ nghĩ, thậm chí họ biết chuyện đó là xấu, là không nên xảy ra, nhưng tự trái tim họ cứ bị thôi thúc như thế.

    Tất cả những gì ta biết là không nên, (vì nó sẽ gây đau khổ cho người khác – cho chính mình), nhưng nó tự nhiên phát sinh từ trái tim mà không thể điều khiển được, nó giống như cơn giận, như nỗi buồn, không ai khuyên ngăn gì được, chỉ có một cách là cần cho nó thời gian để nó tự trôi qua, và đừng làm gì cả, vì cái gì cũng lên rồi xuống, không ngừng biến đổi, vì nó chẳng bao giờ ở yên đó cả, chắc chắc vậy. Tuy nhiên, cũng đừng tìm gặp, đừng tạo cơ hội, hãy ở yên với chính mình, tự tách mình ra khỏi bản ngã của mình, nói rằng: ok, mày cứ đau khổ đi, tao biết mày đang nhớ người đó, mày cứ buồn, khóc hoặc ngủ, tùy mày, rồi mày cũng sẽ quên thôi, cuộc sống này đóng cánh cửa này lại là vì có một cánh cửa khác tốt hơn, phù hợp hơn đang chờ, nó giống như việc ta đi ngang cửa hiệu thời trang, ta thấy một chiếc áo đẹp vô cùng, như khi vào thử ta thấy ta mặc không đẹp, thì đó không phải vì ta xấu, mà chỉ là vì ta và chiếc áo không phù hợp lẫn nhau mà thôi. Nên nếu em là chị, em sẽ cắt hết mọi liên lạc và khả năng/ môi trường có thể gặp người đó, xây dựng một cuộc sống tươi mới cho chính mình, bồi bổ bản thân để đón chờ người phù hợp. Lúc này chị chưa thể yêu ai khác, điều đó dễ hiểu, nhưng nó không có nghĩa là nó sẽ luôn như vậy, con người ta biến chuyển nhanh lắm, nhanh hơn chúng ta tưởng.

    Trong thực tế, vẫn có những người ly hôn để đi đến với tình yêu đích thực, nhưng làm sao biết đâu là tình yêu đích thực, hay nó cũng chỉ là kiểu đê mê đắm đuối như kiểu “tình yêu non nớt” ta đã biết đến ở trên, rồi đến một lúc họ chán, ta chán, thì mỗi người lại muốn tìm đến một nguồn cảm hứng mới, giống như Picasso giống như câu chuyện ở đây: http://trananhngoc2512.blogspot.com/2014/06/xin-loi-tinh-yeu.html . Quá nhiều mất mát, quá nhiều hi sinh, đấu tranh và đau khổ để đi đến một cái kết đẹp (nếu có).

    Dù gì để là tình yêu, trước hết, nó phải là cảm giác dễ chịu, bình an, được hồi đáp, thấu hiểu, bền vững, yên an, nói cách khác, nó cần thời gian để đi qua thử thách. Nhưng làm sao một người có gia đình có thể cho ta thời gian và cơ hội để chiêm nghiệm những chuyện ấy, nếu tình yêu non nớt là sự hạnh phúc đê mê trộn lẫn với cảm giác về cái chết đuối và sự buồn nôn thốc tháo, thì chuyện yêu người có gia đình, mức độ trộn lẫn của những cực điểm ấy còn kinh khủng hơn, nó còn trộn cả sự lo lắng, sợ hãi, vụng trộm, và hạnh phúc nếu có nó còn mãnh liệt hơn mức bình thường. Và như thế, cái kết thế nào, tự ta cũng biết rõ.

    Trả lờiXóa
  3. Có lẽ vẫn còn một trường hợp thứ ba, rằng khi giữa người đàn ông có gia đình và người phụ nữ thứ hai có thể chín chắn có một tình bạn thấu hiểu cảm thông, trong sáng và chậm rãi, đủ bình tĩnh và an yên để nhận ra họ cần phải ở bên nhau. Và tình yêu giữa người đàn ông đó với vợ mình đã hết và họ đi đến việc chia tay. (chuyện này theo quan điểm của em cũng không có gì là ghê gớm, tình yêu nó cũng có thể biến đổi mà, nếu không còn yêu nữa, nếu thấy cuộc sống như địa ngục, tại sao phải níu kéo, làm khổ nhau, còn con cái thì ban đầu có thể đau khổ, nhưng cuộc sống là như vậy, những đau khổ và trải nghiệm sớm hay muộn dù sao cũng đến với con người để họ được tôi rèn trong kiếp sống này, những đứa trẻ rồi cũng sẽ quen, sẽ vượt qua, đó cũng chỉ là một dạng đau khổ, và hoài vọng bị sụp đổ mà thôi, còn cả đống hoài vọng phải bị sụp đổ ở phía trước, và chúng rồi cũng sẽ phải sống cuộc đời của chúng. Osho từng nói, người ta thường quá vội vàng khi kết hôn như lại dây dưa khi ly hôn, trong khi đáng ra phải ngược lại. Đáng ra họ cần hiểu rõ nhau, sống thử, chịu đựng nhau trong mọi khía cạnh, để biết chắc họ có phù hợp hay không rồi hẵng đi đến một sự ràng buộc, cam kết, một hôn thú chính thức. Và thực ra, hôn nhân nó có là gì đâu chứ, đọc ở đây này, Osho viết hay cực http://oshovietnam.net/cach-nhin-cuoc-song/624-tinh-yeu-va-hon-nhan và nhiều hơn ở đây http://oshovietnam.net/list/tinh-yeu-va-tu-bi

    Trả lờiXóa
  4. Ánh Ngọc, cám ơn em về những định nghĩa khúc chiết và rõ ràng, làm chị sáng tỏ ra nhiều điều. Nhưng để thấu hiểu sâu sắc thì cần thêm thời gian và chiêm nghiệm, thực hành thì còn cần thêm cả ngoại cảnh.
    Đang tìm đọc Osho từ link Ngọc gữi
    Chúc em vui vẽ dạy học nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ sao chị biết em là Ánh Ngọc hay vậy, chị đọc những post ngày xưa của em à. Thực ra sao em ghét cái tên lót đó kinh khủng, nghe sến súa và thiếu cá tính làm sao ấy.

      Xóa
  5. Tên Ánh Ngọc rất hay, viên ngọc sáng mà. Có dạo chị cũng ghét Mỹ Phương nhưng dạo gần đây thì yêu cực :)
    Cuối tuần vui nha em.

    Trả lờiXóa