20 tháng 9, 2014

Về Vô tri


Cuối cùng, sau khoảng 2 tuần vật vã mình mới đọc xong được một quyển sách bé xíu và mỏng dính, giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ, cầm cuốn sách lên được chừng 5 trang là ngủ, thật là bố khỉ.

Mấy cuốn mình đọc gần đây đều thế, nó hầu như không có tính giải trí, không khiến người ta đọc liên tù tì được, nhưng mình tò mò vì tên tuổi của tác giả, tò mò vì nghệ thuật họ đang sử dụng, tò mò cách họ gây bất ngờ cho người đọc, và trên hết, tò mò vì điều mà tác giả muốn nói với độc giả, điều mà tác giả muốn kể, thật sự muốn kể.

Tác phẩm được viết năm 2000 nhưng tinh thần và câu chuyện của nó không mới, được xây dựng trên bối cảnh cuộc trở về của những người lưu vong khi Séc dành lại nền cộng hòa, tự do dân chủ và đa nguyên chính trị lên ngôi khi chế độ cộng sản của Liên Xô sụp đổ ở hàng loạt các nước châu Âu.

Nhân dịp đọc truyện này, lịch sử thế giới được ôn lại thông qua lịch sử của người Séc, năm 1918, với Thế chiến thứ nhất, Cộng hòa Tiệp Khắc  dành độc lập khỏi đề chế quân chủ Áo – Hung; năm 1938, thế chiến thứ hai, với sự xâm lược của phát xít Đức, người Séc đã đánh mất nền độc lập của mình, năm 1948, “cuộc cách mạng cộng sản được nhập khẩu” từ Liên Xô, Đảng cộng sản Tiệp Khắc lên nắm quyền. Bắt đầu từ năm 1968, phong trào Mùa xuân Praha bùng nổ đòi dân chủ. Năm 1989, cuộc Cách mạng Nhung diễn ra đưa  Tiệp Khắc trở lại quá trình dân chủ, trở thành Cộng hòa Séc như ngày nay từ năm 1993.
Ngoài lề tý, mới đây, tháng 9/2014, sau 25 năm kể từ ngày CNXH suy sụp ở châu Âu, bức tượng Karl Marx cuối cùng đã bị hạ bệ tại Hungary cùng với chủ thuyết của ông.

Câu chuyện nói về sự “thờ ơ”, “vô tri” giữa người với người, dẫu là cùng quê hương, dẫu là gia đình trước sự tồn tại của nhau. Xa cách 20 năm, có lẽ đó cũng là điều bình thường, chẳng có gắn kết gì đủ chặt chẽ để người ta có thể thật tâm hỏi han nhau ngoài việc giao tiếp bề mặt và đùa bỡn cho có. Nhưng đứng từ phía những người trở về, đó là sự đứt gãy giữa quá khứ và hiện tại, họ chẳng còn gì, chẳng có gì, họ hoàn toàn xa lạ, xa lạ ngay cả với chính con người mình ở những năm tuổi trẻ được tìm thấy trong một cuốn nhật ký còn sót lại. Và tại đây, phải chăng khái niệm quê hương, dòng máu, trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết, chỉ còn nằm lại ở vài hình ảnh thân thương của thành phố, những tiếng nói dân tộc còn mang phong sắc ngày cũ thật hiếm hoi mới được nghe lại. Họ trở về, cuối cùng cũng chỉ để cho một khẳng định chắc chắn hơn, một sự ra đi mãi mãi, bình yên với chốn mà họ đã sống 20 năm nay.

Lịch sử người Séc và cuộc lưu vong - trở về - rồi ra đi của những người lưu vong đã tạo một phông cảnh rất tốt cho sự vô tri giữa người với người được phơi bày. Nhưng kỳ thực, sự vô tri diễn ra ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, lịch sử nào. Sự không thật lòng của con người, sự tha hóa của xã hội, những bản ngã ích kỷ, và cả hèn nhát, mình muốn nhấn mạnh vào sự hèn nhát, vẫn luôn đẩy số phận của nhiều người vào chỗ bế tắc, đau khổ, trống rỗng và không có lối thoát. Cuộc đời dài thật nhưng hóa ra lại mong manh vô cùng, loáng một cái, vẫn có thể là ta sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc, vẫn có thể là tất cả sẽ bị mắc kẹt cho đến lúc chết.
Mình thích truyện này ở cách Kundera đã miêu tả suy nghĩ và tâm trạng của các nhân vật rất chậm rãi, tỉ mỉ, từng chút một, hoàn toàn bình tĩnh, như chính những tâm sự, những suy tưởng hằng ngày mà bất cứ ai cũng có thể có. Những gút mắc của câu chuyện, vì thế, đến với người đọc tự nhiên và khó chịu như chính cuộc sống thực. Nó không thích hợp để giải trí như kiểu người ta xem phim hay đọc tiểu thuyết ba xu, mà thích hợp để người ta sống chậm rãi, nhìn rõ hơn và nhạy cảm hơn vào nội tâm của mình và quan tâm sâu sắc đến những người xung quanh, dù phần lớn thì, những người xung quanh cũng chẳng mấy ai sống quá phức tạp hay nghĩ quá nhiều. Theo mình, có lẽ ngày nay phần lớn người ta hời hợt và tìm vui dễ dàng.

Và giống như Haruki Murakami, mình thích những tác phẩm dẫn chiếu người đọc đến những kiệt tác – tác phẩm văn hóa khác. Ở tác phẩm này, nó dẫn mình đến với trường ca Ulysse của Homère và âm nhạc của Arnold Schonberg.


4 nhận xét:

  1. Nhìn cách chụp hình cuốn sách là biết bà hay đọc sách trên... giường, giống tui y chang. Và cái món "cầm cuốn sách lên được chừng 5 trang là ngủ" làm tui giật mình,trúng trúng cái gì đó của tui hay sao á. Kkk... Tui đang đọc Chàng Ngây Thơ, cũng vậy luôn, hai tuần rồi mà chưa xong nè. Hình như Trung tâm học liệu Đại học Cần Thơ tui thấy có cuốn Vô tri. Để đọc xong cuốn Chàng Ngây Thơ, tui đọc Vô tri. Cách bà viết cảm nhận sách tui khoái rồi í.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giá như tui có thể đọc 1 cuốn sách mà tui chưa biết gì về tên tuổi của người viết, thì tui sẽ đỡ bị thiên vị và có cái nhìn khách quan hơn. Tuy nhiên nghịch lý ở chỗ, nếu họ không sẵn nổi tiếng thì tui đã không đọc nó bà nhỉ. Và bà cũng đang thiên vị cho những gì tui viết đó. Chàng Ngây Thơ của tác giả nào vậy bà, có phải tên của nó là Cậu Ấm Ngây Thơ không? Nếu đúng tên nó là như vậy, thì tình cờ là tui cũng đang chuẩn bị đọc nó đây.

      Xóa
    2. Đó là tác phẩm Candide (Chàng Ngây Thơ) của Voltaire, không phải Cậu Ấm Thơ Ngây đâu à. Sách cổ í. À, tui không thiên vị về bài viết của bà, thật sự mà nói, tui rất ngán khi phải vào trang blog nào viết không đủ CHẤT. Mặc dù biết rằng, entry của tui chẳng được CHẤT chút nào. Tui đi lang thang để tìm đọc blog quá trời nhiều rồi mới lọt được vô đây. Khi tới đây rồi thì tui muốn dừng luôn, không đi tìm blog nữa. Vừa có văn học vừa có hội họa, đúng cái "gu" tui. Cảm ơn bà chưa hết chứ ở đó mà đi thiên với vị nỗi gì.

      Xóa
    3. Vậy thì hay quá rồi, không nói đến những nhà văn đã thành danh, thì việc người này đọc những điều người kia viết, cảm thấy thích thú gần như trong toàn diện là một điều rất hi hữu, giống như xác suất của 2 trái tim đập cùng một nhịp vậy, huống hồ là từ trước đến giờ tui chưa có một ngư ời đọc nào như thế. Cảm ơn bà, cảm ơn bà, buổi chiều vui nga.

      Xóa