25 tháng 4, 2014

Ngọc đọc thơ Dư Thị Hoàn



Gửi mùa hạ
Hai chiếc thìa bé xíu khuấy động hai tách café, mặt hồ Xuân Hương không gợn sóng. Anh thấy không, chúng mình giống nhau cả mùi thơm từ bước lỡ đầu tiên, và em không dám chối, ta giống nhau…
Cung điện triều vua cuối trên đỉnh đồi phủ màu biến thiên, rêu lầu vọng nguyệt. Bây giờ tháng mấy rồi mà lầu vẫn tròn khung trời để ngỏ, in hình gió và vàng son quá khứ…
Khúc quanh đường thông lưu luyến gót hài ai nhỉ? Trịnh công bay và Khánh ly xa, giông bão kết tủa buổi chiều Cung tơ ấy, ngự lưng chừng đồi hú gọi… Mã cô nương ngồi như cung cấm, so giây đàn kiêu căng.
Hình như không gian mời gọi, anh đung đưa hát, lời hát không bay, vì anh không say, vì em không lay, vì anh đã từng hát rất hay, vào một đêm khai ngộ trên cõi vô minh này!
Người hoạ sĩ ngồi bên gom nỗi vô vọng vào ký hoạ, nét chấm phá vương giả dưới quầng sáng lờ mờ, em và anh hai cây sầu thắp đêm…
Con ngựa quả là loài không tỉnh táo, kéo cỗ xe dụ chúng mình vào thung lũng mờ ảo. Xa xa một đôi trai gái thả cặp chân xuống hồ khua ráng đỏ, một sát na chiều im vó ngựa, nắng xế hoàng hôn như mũi khoan vào lòng thung lũng - Tình yêu. Anh nói: muộn rồi, ta về thôi ! Em vâng: muộn rồi…
Sương Đà lạt quyến rũ từ một ca nữ mắt còn vời vợi… không mau tan. 

Ngọc: Bỗng nhiên mình cảm thấy thích nhất bài thơ này trong số các bài thơ của Dư Thị Hoàn, bởi nó lãng mạn vừa đủ, chân thật vừa đủ, yêu thương vừa đủ, mong manh diệu vợi vừa đủ. Đó là lí do mình chọn bài thơ này để đưa lên đầu của post này. Nhịp thơ lê thê bảng lảng đi cùng một duộc với cảnh trong thơ. Còn cái tình trong thơ là cái mà hàng trăm hàng vạn những người yêu nhau phải chấp nhận, sự dang dở, tiếc nuối, chấp nhận; xã hội, trách nhiệm không bao giờ cho người ta một lần thứ hai để lựa chọn, người ta cứ đi qua nhau rồi lại thương nhớ, tiếc nuối và đau đáu. Nhưng nói thật nhé, đến được với nhau liệu có chắc giữ được hạnh phúc?

Đi lễ chùa (12-1987)
Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa
Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ
Người thứ nhất thở dài:
- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng
Người thứ hai chép miệng:
- Vô phúc nhất người đàn bà không con
Người thứ ba cười buông:
- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng
Người thứ tư điềm đạm:
- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con
Người thứ năm:
- Mô Phật!
Lão xà ích giật dây cương
Roi quất
Tung bụi đường.

Ngọc: Người phụ nữ sao mà khổ, chồng với chả con, Người thứ năm, có lẽ là nhà thơ, như đã thấm thía tất cả sự đời, đã đi qua tất cả, đã giác ngộ. Ba câu thơ cuối cùng nghe nghiệt ngã làm sao, như bất lực, như bỏ mặc, như thể sự khổ là cái tất yếu của thế gian này.

Vô đề (2) (2002)
Con thiêu thân lao thẳng vào trang viết
Nó đi tìm luồng sáng ở kẽ chữ chân câu?
Phu khuân chữ băn khoăn về đoạn kết
Nhưng không kết nổi vì nỗi băn khoăn
Những ngón tay theo thói quen miết miết lên trang giấy
Con thiêu thân chết bởi thói quen rất bình thường của ngón tay.

Ngọc: Mình học hỏi ở thơ của DTH ở chỗ là kết hợp giữa yếu tố thực và yếu tố bóng, giữa cái đời thường quen thuộc hữu hình với cái triết lý, tình cảm và tư duy bên trong, thơ dù có viết thành hàng thành lối, dù có vần điệu, nhưng nói huỵch toẹt thì vẫn chỉ như câu văn mồn một. Bài thơ có lẽ là nỗi trăn trở của nhà thơ khi sáng tác, và chính trong hoàn cảnh “băn khoăn” đó, tác giả lại tức cảnh sinh tình, đưa tình vào cảnh. Đọc lên sao cứ như cảm được sự bức bối của nhà thơ vì chưa tìm được đoạn kết.

Chị ấy (1987)
Anh đến thăm em
Có gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửa
Anh ngắm nhìn em
Có thấy hình chị ấy ôm gối thở dài
Anh ca tụng em
Mà em ớn lạnh
Như giọt nước mắt chị ấy tuôn chảy
Anh ơi
Anh mãi mãi là mặt trời
Của người vợ đáng thương ấy
Lẽ ra trên thế gian này
Đừng nên có em.

Ngọc: đồng cảm, người thứ ba tốt bụng thường có tâm trạng ấy, người thứ ba đạo đức thường thương cho cả người phụ nữ thứ nhất, và xót xa cho chính tình yêu của mình đến nỗi có lúc dại dột nghĩ rằng “lẽ ra trên thế gian này – đừng nên có em”. Đúng vậy, chả hiểu sao tạo hóa có những cái vô lí đến thế, rõ ràng là không thể tiến tới, nhưng sao cứ cho gặp và yêu. Thực ra, sau này đã đốn ngộ vì sao lại thế, nhưng mỗi lần nghĩ đến vẫn cứ nhớ cái cảm giác tiếc nuối đó.

Nhà cười
Tất cả đều biến dạng
Méo mó
Mọi người đều hóa hình
Quái gở - Người ta tung tiền vào đây
Cốt để phá lên cười
Cười khoái trá
Cười rũ rượi
Cười quên hết sự đời - 
Còn tôi
Tình nguyện vào đây
Để khóc
Không chỉ cho một mình tôi.

Chớ vội vàng hỡi con trai yêu
(Viết cho con Thi Giang)
Đôi má nũng nịu tuột khỏi bàn tay mẹ
Rổ táo chín, gói bánh dừa
Không còn giúp mẹ gọi con về
Ông hoàng tử, chàng kỵ sĩ trong thần thoại mẹ kể
Không giữ nổi đôi mắt đen trọn vẹn lung linh.
Con đòi sắm bộ disco thời trang
Con đòi mua đôi ghệt trắng
Sau giờ học chạy ra sàn nhảy
Hấp tấp cả trong bữa ăn
Đêm khuya ôm đàn bên hành lang
Với mẹ thành người xa lạ
Từ khi con gọi thầm tên cô thiếu nữ...
Nhưng con ơi
Mẹ lại thấy yên lòng
Trong con tình yêu thương đang tiếp nối
Như đôi chim xây tổ cây xà cừ ngoài ngõ
Tiếng ríu rít vang đầy khung cửa
Hạnh phúc các con - một tia sáng cuối đời mẹ
Mẹ chỉ lo rồi vụt tắt đi
Một mai con lại thành xa lạ
Với người đàn bà non nớt kia.

Ngọc: Với bài thơ này, DTH quả thật là người phụ nữ đức độ và vô cùng tâm lý. Bà hiểu con và quan sát con kỹ từng thay đổi khi con bắt đầu yêu một ai đó, nhà thơ chẳng trách gì con mà ngược lại, “yên lòng” vì “yêu thương tiếp nối” và bà xem hạnh phúc của con cũng chính là tia sáng an ủi cuối đời bà. Nhưng cùng là phận đàn bà, đã trải qua nhiều đau khổ trong tình yêu, nhà thơ thậm chí đã lo trước cho “người đàn bà non nớt” mà con mình đang đem lòng yêu bởi lòng dạ người đàn ông hay thay đổi, bội bạc.

Bức thư người Hoa (1987)
Nếu mai sau
Bài thơ được chắp cánh bay cao
Bằng lao động kiệt cùng
Chị sẽ đền ơn mẹ
Và lúc đó đừng ngạc nhiên các em nhé
Nếu chị không dùng tiếng mẹ đẻ
Nếu bài thơ viết bằng ngôn ngữ
Của một dân tộc đau khổ
Mẹ và các em đã rời bỏ, lìa xa.

Ngọc: còn hơn cả tình yêu đất nước, quê nhà thứ 2 của mình, bà cũng đau khổ cho nỗi khổ của dân tộc, dân tộc đã trở thành quê hương thứ 2.

Lối nhỏ
Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ
Em thả bước chán chường
Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá
Gót chân em nện xuống dữ dằn

Có lối nhỏ vương cây xấu hổ
Em sợ nó khép cành

Biết làm sao bây giờ
Chính lối này đưa em tới anh…

Ngọc: Đọc thơ Dư Thị Hoàn bao ngày, có những lúc vì việc này việc kia mà tôi bỏ dở cái công cuộc sưu tập và ghi lời trò chuyện như thế này, rồi lại quay lại bởi một sự tình cờ nào đó của những ngón tay trên bàn phím, tôi lại trở lại với thơ của chị, và có khi lại bắt gặp những bài thơ mà tôi chưa đọc dù lúc đầu tôi đã tra cứu khá nhiều. Thì tôi nhận ra, hóa ra tôi thích thơ của chị vì đồng cảm, trái tim chị đau khổ, quằn quại nhiều, điên dại nhiều vì tình yêu, nhưng chị luôn yêu hết mình, yêu với khát vọng lớn nhất, bài thơ ‘Lối nhỏ” này cũng vậy, con đường em đi để đến với tình yêu dành cho anh bao gập ghềnh sỏi đá, bao cản trở chán chường, nhưng em vẫn đi, vẫn yêu…

Bước chân chậm (1987)
Tiếng bước chân anh ngoài cửa
Em hồi hộp rút then ngang khe khẽ
Anh đã đến với em...
Nhưng có ngờ đâu
Nắng buổi sáng
Nắng chói chang
Đã ùa vào ôm gọn em trước mặt anh
Anh đến với em...
Muộn mất rồi

Ngọc: bài này sáng tác cùng giai đoạn với bài Chị ấy, bài thơ là kết hợp giữa 2 tâm trạng đan xen và rối bời, yêu và mong chờ khắc khoải nhưng hiểu rõ thực tại là không thể đến được, vừa rất muốn được yêu, được bên cạnh, nhưng cũng biết rõ là phải cách xa, nỗi đau hụt hẫng và ngay trước mắt. Hình ảnh mở cửa rút then để anh vào nhưng nắng rực rỡ chói chang đã ôm em trước đã nói bóng gió rất hay cái tâm trạng của nhà thơ, đó chính là thơ.

Tình lặng (1987)
Nụ cười em lãnh đạm
Đôi mắt em lơ đãng
Đâu phải cho anh
Mà để tự hành hình
Chớ dừng chân
 Khi vô tình gặp em anh nhé
Em mang bản án chung thân
Gái đã có chồng!

Trong bệnh viện tâm thần (1987)
Buổi sáng, bác sĩ lại khám bệnh
Buổi tối, ngủ bằng thuốc an thần
Mọi người đều rất yên tâm
Khi thấy tôi không còn khả năng đập phá
Đào tạo một bác sĩ
Có giản đơn đâu
Còn những vỉ thuốc hiệu nghiệm kia
Tính bằng ngoại tệ
Tôi bật cười – căn bệnh này tốn phí đến thế
Càng ái ngại cho những người chuyên cần
Phục dịch vây quanh… 
 Tôi sẽ khỏi bệnh
Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy
Không cần bác sĩ
Không cần những viên thuốc đắt tiền
Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến
Một nhành hoa dại thôi.

Ngọc: Bài Tĩnh lặng và bài Trong bệnh viện tâm thần là những bài tôi rất thích, có lẽ đã quá rõ ràng và chạm ngay vào lòng người đọc: khát vọng được yêu và sự khổ đau.

Đêm trắng (1988) 
Đêm mất ngủ ngọt ngào
Báo tử từng tế bào vỏ não
Ta không dại dột nữa đâu
Hỡi viên thuốc ngủ
Chớ dở trò quyến rũ
Hạnh phúc đã cho ta tận hưởng đêm trắng
Vần vụ với chính ta
Hình bóng
Mông lung

Tan vỡ (1988)
Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em...
*
Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em./.  

Ngọc: Đây có lẽ là bài thơ gây tiếng vang nhất của DTH, cũng qua bài thơ này mà mình biết đến DTH để tìm đọc nhiều hơn. Bài thơ giọng điệu êm đềm thỏ thẻ như sự cưng chiều dành cho người đàn ông mình yêu, nhưng lại chua chát và xót xa. Đàn ông thường lơ đãng, chứ không được gọn gàng kỹ tính như phụ nữ, những lỗi nhỏ vặt vãnh ấy em có cằn nhằn chút, nhưng rồi cũng qua. Nhưng sự vô trách nhiệm ở những câu thơ cuối bài thì nó không còn là tính xấu vặt vãnh nữa, mà là thói ích kỷ, chỉ biết bản thân mình, chỉ biết hưởng thụ, nhân vật “anh” thật ra chẳng phải yêu thương gì, chỉ là lợi dụng, hắn ta chỉ yêu thương chính hắn ta mà thôi, và biến người phụ nữ thành công cụ cho cuộc sướng sung đó, khi đã chán chê thì hắn cũng quên luôn người đã thương yêu, hi sinh cho hắn tất cả, đó cũng là kết thúc, là đêm cuối cùng, là tan vỡ. Đọc bài này làm mình nhớ đến Hà Linh, cô tự nói mình là “trở mặt rất nhanh” nếu người yêu của cô có chút hành động hay cư xử gì đó khiến cô không vừa lòng thì cô chia tay ngay lập tức. Nói là “trở mặt rất nhanh” nhưng thực ra là Hà Linh đã rất khôn, vì rằng dù đàn ông có những tính xấu mà phụ nữ chúng ta suốt ngày ta thán, nhưng có những hành vi rất nhỏ đã nói lên tất cả bản chất con người, và không cần đến một sự tha thứ nào cả, vì bản chất là không thay đổi. Nhận diện sớm thì sẽ tránh đau khổ về sau, chứ đừng quỵ lụy, lập lờ, cho qua vì tiếc nuối mà khổ cả đời. 

Vi vu (09/2005)      
Hà nội
       Mùa thu rồi nhỉ
Yểu điệu
       đài các
                mà làm gì
Chẳng hẹn 
           vàng lá vẫn rơi
Thả mình đi em
          gương soi
***
Màu tím của ngày hôm qua
Màu hồng ngày hôm kia
Cả màu trắng trong ngày xưa nữa
Bội mùa hư không
***
Khâu lại chiếc ba-lô chưa kịp rũ bụi
- ừ , em đi
Lại một hành trình không chú thích
Thân gái dặm trường
Mùa nào mà chẳng hư không ...

Ngọc: Một bài thơ rất lãng đãng, rất “vi vu” về một hành trình vô định.  Lúc đầu tôi định viết “phải chăng nhà thơ thấy cái yểu điệu đài các của thiên nhiên mùa thu Hà Nội mà nghĩ đến phận mình, người con gái cũng như lá mùa thu, dù có “yểu điệu, đài các” rồi cũng đến lúc “rơi”, thời gian, ý thức về mùa như trở thành “hư không” trong biển hành trình vô tận?” nhưng tôi không dám suy diễn nhiều đến vậy, vì có khi thơ chỉ là thứ “tức cảnh sinh tình”, chỉ là 1 sự lãng đãng trước cảnh vật để rồi viết nên những câu bóng gió, như đối thoại trò chuyện và nhân cách hóa thiên nhiên.

Góc tối
Đừng bắt tôi lên diễn đàn
Đừng buộc tôi ra sân khấu
Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối
Như cái chiện đen giáng xuống
Tờ khai sinh của tôi
Thời cuộc sắp đặt tôi
Gần hết một đời rồi
Tôi đã quen chỗ ngồi  

Ngọc: Mình rất thích hình ảnh “cái chiện đen giáng xuống tờ khai sinh”, đó cũng là lấy cái hữu hình có liên quan để so sánh với cái vô hình. Những phép so sánh như vậy chứng tỏ những nhà thơ là người cực kỳ có tư duy sáng tạo và thông minh. Bài thơ là một lời khước từ của nhà thơ với thế giới “showbiz” trong văn chương, là khiêm tốn, không muốn khoe mình trước thiên hạ, muốn sống như trước giờ vẫn sống.

Thôn quả phụ
- Cho anh tiễn em tới gốc cây đa
- Thôi, xin cám ơn
- Cho anh tiễn em qua chân cầu gỗ
- Thôi. Em cám ơn lần nữa
- Anh chỉ tiễn em đến ngôi chùa đổ
- Thôi mà… khi khác… em xin
- Thế thì cho anh địa chỉ
- Kia kìa, đằng sau cơn mưa 

Ngọc: bài thơ này thoạt tiên không khiến người đọc hiểu hết ý nghĩa, nhưng đã tạo ngay cảm xúc của cái gì mơ hồ, vời vợi, nhà báo Lê Thiếu Nhơn có một đoạn bình rất hay về bài thơ này như sau: “Chỉ cần câu thơ cuối cùng đã biến mọi lời đãi bôi trở thành một bài thơ rạng rỡ. Không thể nào phủ nhận “đằng sau cơn mưa” là một ký hiệu thẩm mỹ. Nơi vời vợi ấy có thể có ngôi nhà hiện hữu, nhưng có thể chỉ là mịt mù nước mắt, có thể chỉ là hắt hiu chờ đợi, có thể chỉ là vô vọng ngóng trông. Không thể nói khác hơn, Thôn quả phụ là trường hợp bài thơ không cần câu thơ nào, mà dựa vào một ký hiệu thẩm mỹ!”

Đêm tân hôn
"Em như con tàu gặp bão
Rừng san hô đáy biển
Chưa kịp buông neo
Chưa kịp buông neo
Rừng san hô đáy biển
Em như con tàu gặp bão
Đêm tân hôn"
Ngọc: Ai hiểu được bài thơ và bối cảnh của nó không, sao đêm tân hôn mà lại chênh vênh rối loạn thế này?

Thiền xứ
Vòm trời có một lỗ thủng
Thiền quang rơi xuống
Phật đài trên cao
Em quy y giữa toà tam bảo
Ngoài kia ai thỉnh chuông
Em trong lòng gõ mõ
Nam mô
Nam mô
Tiếng côn trùng vẫy gọi
Nam mô
Nam mô
Từ lỗ thủng thiên đường.

Ngọc: Ba câu thơ bắt đầu từ câu thứ hai có sức tượng hình quá lớn, đọc lên như thấy được sự uy nghi, tôn kính thiêng liêng của nơi Thiền xứ, và cái tôn kính thiêng liêng của việc quy y tam bảo. Và để có được cái thần thái nhập vào trời đất, với ánh sáng cao vợi với đức Phật cao quý ấy, “em” đã giác ngộ từ bên trong, đã vào trạng thái “không”, buông bỏ tất cả thực tại và thế tục.

Quo Vadis
Ở đâu có cây Bồ đề?
Ông tôi đặt tượng Thích ca
ngồi bên gốc Vạn tuế
Tán lá chìa ra như lọng che
Con kiến bò lên vành tai khắc khổ
Ông tôi bón xuống
giọt cầu siêu mỗi ngày
Đêm nằm mơ
Nói mớ :
- Chúng mày đi kiếm
                 cây Bồ đề cho tao!
Ở đâu có cây Bồ đề...

Ngọc: Ai hiểu mấy câu thơ này không, ý tác giả muốn nói điều gì? Phải chăng là muốn nói về cái sự đam mê tín ngưỡng thần Phật quá độ, đến mức cực đoan, nhất định cứ phải để cho tượng Thích ca ngồi dưới cây bồ đề mới chịu, cứ nghĩ là đã theo Phật, đã tôn thờ Phật, nhưng vốn từ trong tâm đã không bình an, không buông bỏ.

Ánh lửa
Hãy buông xuống
Đừng giơ bàn tay che ngọn đèn dầu
Đừng khám phá em
Bằng đôi mắt nấp sau bóng đen
Hỡi bàn tay nhân từ khôn khéo
Xin hãy buông xuống
Giữa chúng ta
Hãy để ánh lửa bập bùng sáng
Dù đang lúc đôi mắt anh
Phóng ra mũi tên tẩm thuốc
Nhằm rơi rụng trái tim em.

Ngọc: Phải chăng là cảm giác sợ bị sự si mê đánh lừa, lời thơ như lời của lí trí đang chống cự cơn bão của tình yêu, hoặc có thể là chống cự sự ngộ nhận si mê tức thời với tình yêu. Dư Thị Hoàn có cái hay là hễ cứ viết về chủ đề tình yêu, thì dù ai oán, trách móc, trào phúng, chế giễu hay đề phòng thì luôn chọn cách xưng hô và lời lẽ ngọt ngào, khiến cho thơ của bà có một sự quyến rũ hiếm có.

Bài mẫu giáo sáng thế
Giáo đường cách xa con đường bụi đỏ
Không tháp chuông
Không tượng chúa
Không cây thập tự
Cô giáo sĩ truyền đạo đang nhẩy múa
Đám tín đồ hài nhi theo nhịp bi bô
Lời đọc kinh loang như lá cỏ
Bay xa hơn tiếng chuông nhà thờ
Em có...
Em có đôi bàn tay...
Em có đôi bàn tay trắng tinh...
Cầu nguyện cho bàn tay đừng ám muội
Cầu nguyện cho bàn tay đừng lầm lỗi
Bắt đầu từ tuổi véo von...
Ađam không đi học
Evơ không đi học
Bàn tay không vâng lời
Bàn tay lọ lem vặt trái cấm
Loài người sinh ra...

Ngọc: Bài thơ bắt đầu bằng những hình ảnh mộc mạc dễ thương, bằng bài hát truyền đạo dành cho trẻ con, giản dị gần gũi như đôi bàn tay, nhưng có sức lay động còn hơn cả tiếng chuông nhà thờ. Tuy nhiên, những câu cuối bài lại để lộ ra cái ẩn ý sâu xa của nhà thơ, hóa ra loài người sinh ra từ tội lỗi, nên loài người phải chịu khổ, có đúng không?


Nơi dĩ vãng
Mặt hồ đen
Không gian chìm xuống đáy
Gió dừng trên quả đồi
Tiếng dế gọi...
Trăng lên
Dường như thế
Và như thế
Thiếu phụ ngồi trong đêm
Cây tháp bên bờ hoang phế
Quả chuông
Đợi quá khứ về...

Ngọc: cách ngắt nhịp bài thơ và hình ảnh thiên nhiên rời rạc tạo thành một bức tranh cô liêu quá buồn, cách nhà thơ nói về việc buồn nhớ, đau khổ, cô đơn bởi những gì đã qua ngắn gọn nhưng súc tích vô cùng. Có những thứ, ta đã bao lần dặn mình đừng nhớ đến nữa, chỉ tự dằn vặt mình, dấm díu mình khỏi bước chân đến tương lai tốt đẹp hơn, nhưng nó cứ trờ tới bất cứ lúc nào, và nhất là vào những lúc chiều tà, hoàng hôn, khi trăng lên, dế gọi, chuông đổ từng hồi.

Huyền không (2006)
Em lẽo đẽo theo, bước kinh kệ nặng nhọc, bậc đá dưới chân chôn chặt lời nguyền nàng công chúa, Nai mai mưng Mưkah*... ngày xưa.
Anh nói sao? Ngôi tháp hoang trên đỉnh núi này, hồn ai ẩn náu? Bây giờ đàn dơi trú ngụ tối om và ẩm mốc thế kia ư!
Ngoài trời cứ thế mưa, trôi tuột muôn lời sáo rỗng. Bài tụng ca thần linh có thể, anh lắp ráp tối nay hát tặng cô gái sặc màu nê-ông.
Khói trầm hương phảng phất, ngăn cản anh lại gần. Em bắt đấu học ăn học nói học chối từ. Đừng gọi tên em nữa, sợ công chúa về ... tháp đổ!
Tagalau** vẫn nở ... Ngoài kia, họ tranh cử tổng thống, màn hình lên án Taliban và văn chương đòi nữ quyền. Ngày mai sẽ là lộng hành của WTO thay Lầu Năm Góc. Xứ sở Chăm Pa bắt đầu công trình thế kỷ – hạt nhân... Trống giong cờ mở thời cơ vàng của anh đó, sao lại còn ngại ngần?
Chẳng phải anh đâu, con ma Hời đấy, rước em vào Ninh Chữ mở yến tiệc địa phủ. Câu truyện Ariya*** anh kể, như con suối lạc dòng, gái đồng trinh bị chết trôi trong đó, có hình hài mục rữa của em không?

* Tựa đề một trường ca cổ tiếng Chăm, do nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara sưu tầm, chuyển dịch sang Việt ngữ và công bố. Riêng tựa đề này, nhà thơ Trà Vigia (Guga) dịch thoáng là: "Tình ca người xa xứ". (Tham khảo cuốn Tagalau số 7 - NXB Văn Nghệ, 2006).
** Hoa Bằng lăng, nở ngút ngàn ở trên đồi hoang vùng Ninh Thuận (được dùng làm tên cho tạp chí văn học Chăm, do Inrasara chủ biên, ấn hành mỗi năm một số, từ năm 2000).
*** Trường ca.


Bản tin trong ngày (2007)
Buổi sáng:
Đoàn nhà văn trẻ leo lên số 9 Nguyễn Đỉnh Chiểu[*] tập hợp dao kéo, tiểu thuyết của một cô gái Tàu viết bằng tiếng Pháp[**] sẵn sàng đưa lên bàn mổ.
Một biên tập viên bên văn nghệ quân đội lần giở cuốn Tuyển tập Tiền Vệ 1, tôi hỏi: cậu có bài trong đó không? trả lời: em không chơi hai mang.
Toạ đàm đến hơn 11 giờ cử toạ còn hơn 11 vị, bánh nướng bánh dẻo thừa mứa.
9 bài tham luận được huy động bằng tâm huyết, bài của phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái không ngoại lệ, nhuận bút 100.000 vnd = 6 đô (usd).
Buổi chiều:
Nhà văn, nhà báo Y Ban bị đuổi việc vì cãi nhau với sếp ở toà soạn báo Giáo Dục và Thời Đại.
Nữ sĩ bươn chải bằng quán café Võ Thị Xuân Hà an ủi đồng môn khoá 4 Trường Viết Văn Nguyễn Du một bữa bún quạt chả (lợn).
Báo Gia đình Xã Hội ra thêm một đặc san cho trẻ em có bài: “Cảnh giác thẻ tín dụng và kiến thức chống lão hoá”.
Cuộc nhậu bất bình về tờ Thể Thao... : cùng một bài viết, lại in trong một ngày hai dị bản hoàn toàn (t/p Hồ Chí Minh và Hà Nội)!
Nhà thơ Dư Thị Hoàn đòi ăn chay.

Buổi tối:
Tây ban cầm của Hoàng Ngọc-Tuấn đang hào hứng “Trống cơm”,[***] bỗng lũ chuột bạch nhẩy bổ vào đòi giao hưởng.
Một con chim hải âu từ bờ biển nam Úc về đậu hồ Hoàn Kiếm (tôi nhận ra nó mỏ bự, chân què), chầu chực đớp mảnh trăng rơi vãi.
Đêm nay rằm tháng tám, cơn bão số 4 đổ bộ vào Việt Nam
Xoá sạch trung thu...

Trên đường Phạm Ngọc Thạch (05-2008)

Tôi không nghĩ
            đã có một con hẻm mang số 47
            đang có một con hẻm mang số 47.
 Tôi không biết
            ai ngồi một mình
            ai ngồi hai mình
            ngồi nhiều nhiều mình chật chội con hẻm mang số 47.
 Tôi chỉ thấy
            mỗi khi tới Sài Gòn
            có một điểm hẹn mang số 47.
 Tôi chỉ nhớ
            mỗi khi rời Sài Gòn
            thèm một con hẻm... mang số... 47.

Người thoáng qua (04-2008)

Giá như kịp nói với nhau một lời thôi... trân trọng
Giá như cùng sánh vai một lần thôi... đường vắng
Giá như đừng hỏi... tại sao mà giá như
Giá như gặp lại... cũng chỉ là giá như.

Nền tảng (05-2008)

Tiềm ẩn từ ngàn kiếp trước
Có thể tới muôn kiếp sau
Nếu kiếp này mà không hiển lộ
Thì đừng hỏi thế nào là thơ!

Ngọc: DTH nói về việc làm thơ, cho đó là năng khiếu từ những kiếp trước và có thể vẫn còn đến những kiếp sau. Mình đồng ý quan điểm đó, mỗi kiếp người là một lần để ta trưởng thành hơn, tiến hóa hơn, một cơ hội để rèn luyện, để đi đến với cái tối cao, và mọi thứ đều có sự thừa hưởng hoặc trả giá.

Ở làng văn (05-2008)

Rắm ai vừa mũi người nấy
Câu truyền miệng dân gian bất hủ
Riêng hắn thấm thía nhất
Vì hay thưởng thức nó ở trong chăn.

Ngọc: bài thơ siêu trào phúng về thói tự mãn, tự kiêu, mèo khen mèo dài đuôi, và những người chỉ thấy bản thân, không đọc, không mở mang, chưa từng bước ra ngoài thì lại càng tự mãn tợn, như ếch ngồi đáy giếng. Hihi, qua bài thơ này, giờ mình mới biết dân gian có câu "rắm ai vừa mũi người nấy".

Bản Sonate...

Anh chỉ vào vầng trăng
rồi
Lại hứa...
Anh ạ,
Em không trách anh đâu!
Bởi vì
Trong trái tim tha thứ của em
Vầng trăng bắt đầu biến tấu
          những giai điệu dối lừa... 

Ngọc:  Mỗi khi trách mắng, DTH cứ nhẹ nhàng và sâu cay, vờ đổ lỗi cho vầng trăng, dối lừa và thay đổi, vờ bảo rằng "không trách" và "tha thứ", nhưng tôi nghĩ, đó là đau khổ đến chán chường, tái tê, vì người đàn ông cứ vậy hoài, thôi chi bằng cứ làm thơ ất ư, như kiểu trào phúng, chế giễu, bó tay rồi.

Cá tính

—  Cà fé đắng lắm
     Phải cho thêm đường anh ạ.

—  Đường để mà ngọt, café để mà đắng,
     Ai ai cũng trộn hai thứ đó vào nhau
     Để làm gì hở em?

Ngọc: Đọc mấy câu thơ này nhớ sweetman, anh cũng hay uống café đen và cũng quá ư cá tính, nên mình mới yêu.

Có hai người yêu nhau

“Người uống rượu lọc bằng quả thận
Anh uống rượu lọc bằng trái tim, em yêu hỡi!”
Câu ca như bữa cơm ngày ngày...

Người đàn ông say sưa hát
Người đàn bà say sưa cắp nách
Vỏ chai chạy đến cửa hàng...

Ngọc: Mới đọc tưởng đâu tình yêu của đôi này dễ thương ghê, nhưng tôi nghĩ ý nhà thơ không phải vậy, lại một sự trào phúng nữa, người đàn ông chỉ yêu rượu và được cái dẻo mồm để lợi dụng người phụ nữ phục vụ cho các sự sướng sung của mình thôi, còn người phụ nữ thì yêu mù quáng, chỉ cần nghe lời đường mật, thì cứ thế ngày ngày "say sưa" đi mua rượu cho chồng, đến tội nghiệp. 

Nghiệp chướng

Bé con ta sinh
Đâu hồn đâu phách
Diện mạo như nước chảy
Tính tình tựa gió mây

Ta nhận ra con
Bởi vầng hào quang
                           ai oán
Một đêm ta với cõi này
           động mùa
                        sao rụng
                                     rơi trăng.
Ngọc: Phải chăng là vì sao con giống cha quá, người đã làm mẹ khổ đau?

Các tham luận quanh chủ đề hội thảo “X” (2003)

A: Hè đến, mang theo cơn náo nhiệt bờ biển.
B: Đâu, bờ biển vin cớ mùa hè để huyên náo đấy chứ.
C: Lẽ nào bờ biển lại không thơ?
D: Rất có thể, thơ là cảm giác không đến nỗi bị đánh lừa.
E: Theo tôi, thơ mới là cảm giác rất dễ bị đánh lừa...
Trưởng ban tổ chức: Xin cám ơn! Vì thời gian có hạn.
Ngọc: Có lẽ may ra phải dự buổi hội thảo hôm ấy mới hiểu nhà thơ nói gì.

Giờ này thiên đường
Đã quên rồi
Rộn ràng khúc thiếu nữ
Đồ, rê, mi …
Đã lâu rồi
Rầu rầu son, fa, rê
Xốn xang ư ? chẳng thể …
Từng nốt nhạc em khâm liệm
Chôn cất tự ngày xưa ấy
Bỗng nẩy mầm dưới chân
Làm em luống cuống
Đêm nay …
Ngọc: Tình yêu, anh đã khiến đêm nay em luống cuống, làm em sống lại như thời tuổi trẻ, bồi hồi, xốn xang. Thơ đúng là như thế, không nói rõ, nhưng người ta vẫn hiểu.

 Có gì quan trọng đâu
Có gì quan trọng đâu
Chúng mình cùng lên sân khấu
Môi thâm má thắm
Diễn cho hết một thoáng trần gian

Có gì quan trọng đâu
Kịch bản đã dàn cảnh
Cứ thế nhập vai
Sao cho đài từ nằm lòng

Có gì quan trọng đâu
Vai Kiều nữ đầy đọa
Vai Tú bà hăm dọa
Vai Sở khanh đào tẩu
Vai Từ hải uy phong...
Khóc cười cho thật đáo để
Rồi lên voi
Rồi ngã ngựa
Mua vui thôi
Mà chắc gì đã được một vài trống canh!

Có gì quan trọng đâu
Gột rửa son phấn
Tẩy sạch mày râu
Gỡ bỏ đụn tóc
Lột cởi y trang
Chấm hết!

Ta về đằng ta
Người đi đằng người…

Có gì quan trọng đâu
Hết vở rồi mà
Sao anh còn ngất ngưởng
Sao em lại hờn dỗi
Sao chị vẫn sụt sùi
Ô hay!
Ngọc: Bài thơ nói về chuyện diễn tuồng diễn kịch, nhưng có lẽ nào nhà thơ đang nói chuyện đời, rốt cuộc thì "có gì quan trọng đâu", một kiếp người như một vở diễn, rồi cũng xong, ta lại về cát bụi, có gì to tát mà phải sân si.

 Vào giờ mật ngọt

Thiền định xong, trời vẫn chưa ló sáng. Ngoài cửa kính sương dày đặc, ngày hôm nay chắc là nắng to. Tiết trời đang mùa đông cơ mà, lạ.

Bản nhạc thiền Stillness đã làm phận sự đến nốt cuối cùng. Mở cánh cửa sổ ra phía Linh Đàm, mặt hồ đang bốc hơi, lạnh giá làm mờ hết các ngọn đèn đường. Giờ này, người ta đang ngủ ngon trong nệm ấm, chỉ có các linh hồn đang lang thang.

Một cái ấn nút tật nguyền, như cơn nghiền không cưỡng nổi, bản nhạc Stillness quay lại từ đầu. Không biết sẽ còn quay lại bao nhiêu lần như thế nữa.
Bám lấy từng nốt thăng giáng, lang thang tận miền tây Ấn Độ. Men theo mùi hương lên đỉnh núi Abu, toạ cho đến khi mặt trời dùng dằng không chịu rơi xuống vực thẳm, sau lưng vằng vặc trăng…

Cuộc hành hương về vương quốc Ánh sáng này như một điểm hẹn của vầng Nhật Nguyệt, chỉ có ở Mahduban.

Một vùng trũng nơi góc khuất của Hà Nội, tại sao gọi là Linh Đàm... Mỗi khi mở cánh cửa sổ là thấy nó ngay trước mắt, nhất là lúc thiền định xong và bản nhạc Stillness vừa tắt. Mặt nước phẳng lì giữa lùm cây đung đưa bao quanh như chiếc nôi bình an - đầm thiêng đấy! Chỉ còn thiếu những cung điện ở thời kỳ Vàng, chỉ còn chờ thiên thần… hạ cánh.

Xoay lại chiếc nhẫn bằng bạc đeo ở ngón giáp út tay phải, mặt nhẫn khảm một chấm điểm đang toả sáng. Một cái rùng mình nhớ lại buổi lễ đính hôn với Người…
Tại sảnh đường Shantivan. Hầu cận của Dadi Janki giữ lấy ngón tay run rẩy, đeo đến chiếc nhẫn thứ tư mới vừa khít, cái cảm giác vừa khít đau đớn và khoái lạc, các tế bào dọc cơ thể như bị xuyên thủng bị xé nát bởi một luồng hào quang. Om Shanti: “Tôi là linh hồn, từ nay, tôi đã thuộc về một chấm sáng…”

Giờ này ở bên kia, các chị em Brahma Kumaris phục sức mầu trắng đang thiền hành quanh vùng hồ Barat, bầy thiên nga đang vỗ cánh khuấy động sương sớm. Cây sáo thiên đường đang nhả mật hoa - Meli ngày hôm nay, Sip BaBa không quên, không bao giờ quên, gửi tới: Các con ngọt ngào, dấu yêu…

Bên này - vùng hồ Linh Đàm, bản nhạc đang nâng niu…  một linh hồn đã thất lạc từ lâu, hay tất thảy linh hồn đều thất lạc…

Tám giờ sáng nay, tôi phải có mặt ở phường công an, để làm thủ tục xin tạm trú và hàng năm có một ngày để gia hạn.

------------------------------
* Tác giả bài viết này được mời sang Ấn độ dự chương trình “Bình an tâm trí” toàn cầu, do trường Đại học tâm linh quốc tế Brama kumaris tổ chức năm 2006 tại Mahduban - Ấn Độ, thông qua văn phòng trung tâm giáo dục tinh thần ở Hà nội. Chương trình diễn ra trong 7 ngày với các bài giảng tri thức tâm linh, thảo luận và thực hành yoga cùng với các hoạt động tham quan, du lịch, khám phá miền đất cổ đại, huyền bí. Hơn 323 vị khách mời đến từ 50 nước. Việt Nam có 3 đại biểu tham dự (tác giả, ông Trương Hùng và bà Kim Hưng ở Saigon). Sau buổi bế mạc, được phê chuẩn của bà hiệu trưởng Dadi Janki, tác giả tiếp tục ở lại một tháng tham gia khoá học thiền, dành riêng cho đội ngũ Bramin – những hạt ngọc của tri thức tâm linh trong mùa lễ hội Ánh sáng. 

 -  ơ này,  thời gian

Sẽ đến lúc
Ta bận tâm về người
Như bận tâm
Khi cài cửa bấm khoá
Nhưng bây giờ thì chưa

Và rồi đến lúc
Người bận tâm về ta
Đứa con hoang
Người trót sinh nở
Nhưng bây giờ thì chưa

Không đâu, không đâu
Người đào huyệt mả
Chôn tiếng khóc của ta
Chôn tiếng cười của ta
Chôn hơi hướng của ta mà

Ta biết đấy
Người biết đấy
Nhưng bây giờ thì chưa.

Cuồng nhân ca     
Mặt trời
chỉ để
nô giỡn
tôi sinh ra
trên đu quay
bốn mùa
mụ gió ru
bằng sấm sét
bằng mưa

* * *

mảnh trăng
kia
lành như mụn vá
khâu hồn
say
tơi tả
mộng hành
vào đêm

* * *

còn các vì sao
đăng quang

làm huyên náo
dải ngân hà
đục ngầu tinh thể
mơ mộng
khát khao

* * *

mệt nhoài
đuổi theo
tôi vấp ngã
đốm lửa
nhẩy nhót
cười
trên bãi tha ma.
Khai bút

Xuân lại về - sứ giả của thời gian, mỗi năm một lần đến gõ cửa, khiến vạn vật phù sinh trên trái đất vừa quan trọng vừa không quan trọng nữa.
Chỉ có thời gian, là đủ kích cỡ để ngạo mạn. Cũng chỉ có lịch sử loài người mới liều lĩnh để giải tán tính khí ngạo mạn kia.
Lịch sử ư, mỗi chúng ta đây, vừa đan bện ra nó, vừa bị nó sàng sẩy. Chạy trốn sao, chạy đua sao, chỉ xin đừng gục ngã.
Một khi tên cúng cơm của ta, bị vướng mắc trên cái dần sàng vô biên ấy. Có nghĩa là ta đã lộ diện, đừng mong rằng thời gian sẽ buông tha.
Xuân lại về, chi bằng tĩnh toạ nhấp một chén trà đầu năm - giao hoà linh khí của núi sông, u hương của thảo mộc. Chi bằng dọn sạch khoang lòng cho điệu nhạc thả nhịp... và ta khai bút.
Cũng may mà còn bút hứng để các nhà thơ ngẩn ngơ...  mỗi độ xuân về...

Ngọc: Đọc bài thơ lên mà như cảm được cái hào sảng, cái rạo rực của độ xuân về, nhà thơ đưa ta từ cảm giác nhỏ bé của con người trước sự "ngạo mạn" của thời gian sang cảm giác bỏ buông tất cả, thôi dừng sợ hãi trước cái "vô biên" đó, để "tĩnh tọa" và thưởng thực thiên nhiên, đất trời.

Hoá công

Mượn xác càn khôn
Vi hành trên cõi
Sáu mươi tư quẻ
Gieo xuống trần gian
Sinh sự
Mà thản nhiên
Đến nỗi
Chỉ loài người đổ lỗi cho nhau.
Ngọc: thực ra là mượn tích Hóa công để buồn trước sự đời, trước con người, sao cứ "sinh sự" và "đổ lỗi".

Thuận Huế (2003)

Vàng son nữa đâu
                        mà ngúng ngúng nguẩy
Lưng lưng vòn thì con gái
                        con tạo cũng đòi lại
Giọt giọt buồn Thiên Mụ
                        trút xuống thành quách
Cả dòng Hương hứng chịu
                        cơn cơn nguồn
Để du khách xa rồi
                        vạn vạn dặm
Gót rêu...
Ngọc: thích thú ở bài thơ này nhịp điệu thơ và cách láy từ.

PS: Mình nghĩ là blog của mình bị dòm ngó hoặc bị theo dõi kiểu gì đó, hoặc là có 1 loại pageview fake nào đó, vì ngày nào cũng có 1 người dùng từ Mỹ, xài hệ điều hành Linux và trình duyệt Chrome và xem đi xem lại những bài xưa cũ mình đã viết. Có ai gặp tình trạng tương tự không?




2 nhận xét:

  1. hi Ngọc. Chị cũng hay vào xem bài e. Nhưng hoàn toàn ko phải theo kiểu dòm ngó hay theo dõi. Chỉ đơn giản là e viết hay, đọc thấy chính mình trong đó, và thích đọc thê thôi.
    Cảm ơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, em cảm ơn chị. Hi vọng có dịp em được biết nhiều hơn về chị. Chúc chị buổi tối vui vẻ và một tuần vui vẻ ạ.

      Xóa