16 tháng 4, 2014

Những đứa trẻ ngạo nghễ

Những đứa trẻ từ 2-4 tuổi xinh xắn, bụ bẫm, đáng yêu, nghịch ngợm, cười hồn nhiên, tôi yêu chúng và thích ngắm hình của chúng, đặc biệt là hình chúng trong những sinh hoạt hằng ngày, khi ăn, khi chơi, khi ra ngoài với bố mẹ, nhưng có lẽ tôi ấn tượng nhất ở những đứa trẻ ấy là cái vẻ ngạo nghễ, không biết dùng từ nào cho thích hợp hơn nữa, cái vẻ ngạo nghễ đáng yêu mà người Nam vẫn cưng cưng gọi là "dễ ghét".

Chúng ngạo nghễ vì chúng được ăn no, được tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, được mặc quần áo thơm tho, được bố mẹ ân cần trò chuyện bất cứ điều gì chúng nói, được bố mẹ chỉ cho cái này cái kia, được nhìn vào máy chụp hình và cười, được ra ngoài đi ăn kem, đi khu vui chơi, đi công viên tản bộ, được trèo lên lưng ba chơi trò ngựa phi, có một hộp, một rổ, một kho đồ chơi lớn, tha hồ tưởng tượng, chơi xong thì bố mẹ sẽ dạy bảo là phải xếp vào như thế nào. Chúng ngạo nghễ vì chúng là trung tâm của thế giới, mắt của chúng thì nhỏ, thế giới quanh chúng thì to, mọi thứ đang chìa ra mời gọi chúng tận hưởng, những gì ngọt ngào nhất từ vòng tay của bố mẹ, và hình như ngày nào cũng là ngày tuyệt vời nhất, ngày vui nhất cả.

Vậy những đứa trẻ mà không ngạo nghễ thì chúng sẽ thế nào? Tôi không chắc mình biết hết, với tôi, câu trả lời là, nếu những đứa trẻ không ngạo nghễ, thì chúng sẽ ngơ ngác, tò mò.

Em Bách là một đứa trẻ như thế, em cũng dễ thương và đáng yêu vô cùng, nhà em nghèo, nhưng em cũng bụ bẫm lắm, vì cái tuổi của em thích ăn, chạy chơi nhà nào, ai cho cái gì ăn, em cũng ăn rất ngon lành. 2 tuổi đầu mà em ngồi ăn phở, một tay cầm muỗng, một tay cầm đũa rất sành điệu. Mỗi khi sang nhà tôi chơi, mà thấy mấy mẹ con tôi ăn bánh tráng cuốn chấm xì dầu, em cũng bon chen vắt vẻo ngồi lên ghế, cuốn cuốn chấm chấm như người miền Trung thứ thiệt ăn bánh tráng chuyên nghiệp. Cuối tuần thì em được vào nhà tôi chơi từ sớm, còn lúc mọi người đi làm, em cù bơ cù bất chơi một mình lăn lộn ở vỉa hè, ở khoảnh sân đầy cát và sỏi, lúc nào bắt gặp cũng thấy tay chân đen sì, mỗi lần được bố mẹ tôi ẵm vào tắm rửa thì khoan khoái dễ chịu đến nỗi chẳng bao giờ từ chối việc đó. Cái tuổi vừa biết đi, biết chạy, em lúc nào cũng chạy nháo nhào, và ngã bổ chửng lúc nào không hay, nhiều lúc không biết em đang vui vì điều gì mà cứ nhoang nhoáng từ trước nhà ra sau nhà, rồi lại từ sau nhà ra trước nhà. Lắm hôm chơi cả ngày mệt quá, bố mẹ bận làm lụng vất vả quên cho em ăn. Đến chiều bố mẹ tôi về ẵm vô nhà cho ăn, thì ngồi trên bàn vừa nhai thức ăn mà hai mắt sụp xuống vì mệt và buồn ngủ đến thương. Chỉ cần ai cho một món đồ chơi thì đó sẽ là một ngày vui bất tận, một ngày khám phá, tưởng tượng và vân vê, quần quật với món đồ chơi đó, và kể như đến ngày hôm sau thì món đồ chơi đó cũng tiêu luôn. Em Bách tội nhất là những lúc ỉa đùn ra quần, gặp đứa trẻ khác thì bố mẹ hoặc những vệ tinh chăm sóc chúng sẽ ngay lập tức giúp chúng thoát khỏi tình huống oái oăm đó, còn em Bách đang chơi một mình, em cũng chưa biết nói, em ngồi xuống, đực mặt ra và cứ ngồi im như vậy đến khi có ai đó phát hiện ra bế em về nhà để rửa và thay quần.

Không bao giờ có hộp đồ chơi, không bao giờ được chụp hình, ăn nhiều khi không đúng bữa chứ đừng nói nuôi con theo kiểu Nhật Bản, không bao giờ được đi chơi công viên, khoảnh sân là không gian lớn nhất và cứ thế em ù té chạy nhà này qua nhà khác như một niềm vui rất lớn. Mỗi khi bắt gặp chị em tôi và bố mẹ tôi đánh xe chở nhau đi đâu đó ra ngoài, em Bách có một ánh nhìn tò mò lớn lao, đúng hơn là vừa tò mò, vừa ham muốn. Khi bố mẹ tôi muốn đưa em đi công viên chơi với chúng tôi, thì em hãi quá, vì chưa một lần rời khỏi khoảnh sân đó, nên em vừa muốn đi, nhưng rồi cũng oà khóc đòi ở nhà.

Em chậm nói hơn những trẻ cùng tuổi. Ngày trước, lúc ở gần bố mẹ tôi, em cũng tập toẹ nói được chút ít, được chơi với hàng xóm này và kia. Rồi có mấy tháng, bố mẹ em khổ và bận quá, phải đưa em về ông bà nội ở huyện nuôi. Ông bà nội cũng bận bịu việc đồng áng, em thường chỉ ngồi ở vườn lăn lóc chơi với chó, mèo, mặt trầy nhem, ốm nhanh nhách vàng vọt vì những cơn bệnh sốt kéo dài, và nhất là em gần như quên tiếng người, quên hẳn những gì đã tập toẹ nói trước đó.

Ngày nay, chúng ta thấy quá nhan nhản những em bé dễ thương được bố mẹ chụp hình đăng Facebook khoe con, được nuôi dưỡng bằng những phương pháp tốt nhất. Nhưng cuộc sống lúc nào cũng đa sắc, nhiều chiều, không cần phải xem những tấm hình từ tận châu Phi xa xôi nghèo đói và có vẻ như quá tầm với để ta quan tâm hay động lòng, thì vẫn có những ánh mắt ngơ ngác khiến ta ước có thể đem chúng về nhà nuôi và cho chúng những điều tốt đẹp nhất, riêng tôi thì ngoại trừ việc chụp hình đăng Facebook, do cá tính thôi, chứ cũng không phải tôi chê trách gì việc ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét