9 tháng 3, 2015

Một suy nghĩ cho đến ngọn ngành

Cuộc sống nhiều khi làm cho ta cảm thấy vô nghĩa bởi những tranh đấu về tiền bạc, sự nổi tiếng, sự giàu sang. Đôi khi ta tự hỏi, tại sao hạnh phúc lại khó đến vậy, tại sao ta phải làm nhiều việc đến vậy trong khi hạnh phúc nó đơn giản vô cùng, giống như gia đình của Xi trong seri phim Thượng đế cũng phải cười. Rồi ta thắc mắc, mục đích của mình đến Trái đất này là để làm gì. Những cảm xúc tiêu cực nó đặc biệt xuất hiện thật nhiều khi có những ai đó mà ta vốn đã tưởng như là bạn bè đồng nghiệp quật lại ta một cách không thương tiếc cũng chỉ vì đồng tiền bát gạo, vì hơn thua tính toán, ta tự hỏi, liệu họ có thấy vui không khi họ làm người khác tổn thương, hay là vì ta đã gây lỗi lầm gì với họ trước. Hay là cuộc đời đã khiến cho họ đã chai sạn, những cái đại để như triết lý kinh doanh của họ, rồi không ai cho không ai cái gì, rồi tính toán lợi ích. Nói thật thì, những chia sẻ về mặt tình cảm, những tổn thương bé nhỏ, những tâm sự nó có sức nặng để thuyết phục người khác làm theo ý ta nhiều hơn rất nhiều so với những triết lý kinh doanh hay phân tích logic về mặt lợi ích đó.

Quay trở lại với chủ đề "sống để làm gì", liệu rằng câu hỏi này nó có ích nữa không, khi dù gì ta cũng buộc phải sống, hết kiếp này là 70 năm, và rất có thể vẫn còn những kiếp sau nữa và nữa. Vậy cho nên, rút cuộc thì tốt nhất là sống để vui, phải vui, tội gì không vui. Ta có thể vui vì điều gì cơ chứ, trước biển vắng, cát mịn, và lòng biển thật bằng, bơi thật thích, những bữa ăn thật ngon bên cạnh những người ta yêu quý, và sẵn sàng vì ta để cống hiến thời gian của họ, ôm ta trong vòng tay như muốn nuốt ta vào sự chở che của họ, đi bộ dưới trời lành lạnh của Đà Lạt rồi rúc vào Tùng để ăn lấy ăn để sữa chua, nuôi lớn một đứa con, thấy nó dễ thương và thông minh kinh khủng, nó nói chuyện hay và dễ khiến ta cười làm sao đâu, buổi sáng chủ nhật đôi mình đi bơi rồi qua Fanny quận 2 ăn sáng, uống cafe rồi ngồi phè ở đó đọc sách cho đến trưa. Cuộc sống thật ra dễ thương biết mấy.

Một công việc với thu nhập cao, rút cuộc nó không phải là cái đích, nó chỉ là cái phương tiện để khiến cuộc sống của ta dễ thở hơn, bớt những đau khổ về vật chất như cái đói, cái rét, cái bệnh tật, cái nhà cửa bất tiện, là điều kiện để ta khiến cuộc sống của mình thêm phong phú, như đi du lịch, mua sách đọc và tặng cho bạn, mua được nguyên liệu ngon và sạch để nấu bữa ăn ngon cho gia đình. Thực sự như vậy, nó chỉ là cái phương tiện, cái công cụ thôi, nó không phải là cái để cố sống cố chết, vứt bỏ cả tình cảm và trái tim sâu thẳm bên trong để làm những chuyện tính toán hơn thua, nặng nhẹ thiệt hơn và đối xử với nhau như những cỗ máy. Tuy nhiên, những người tính toán hơn thua sát phạt nhau, có lẽ sẽ nói như vầy, ai chả muốn tốt, muốn thương yêu, nhưng nói thiệt, nếu tui không tính toán như vậy, tui thấy ấm ức trong lòng lắm, tui không chịu được, nên tui phải xả ra như vậy. Cái sự nhún nhường trước cuộc sống, sự buông bỏ những chấp nê và sự bằng lòng cho nhiều hơn nhận, tất cả những cái ấy, nó cần ta phải tu tập, phải mỗi ngày một ít, phải cố gắng, nó không khác chi là tập thói quen học anh văn, học vẽ, học đàn. Và vẫn như thường lệ, nói tôi là một kẻ vô thần cũng được, mà một kẻ có tín ngưỡng cũng được, vì tôi tin có Thượng đế (hoặc một danh từ khác) và Thượng đế đối với tôi, nó cũng giống như Thuyết lượng tử mà thôi: mọi sự, dù rất rất nhỏ, nhỏ như một gợi niệm ở trong đầu nó cũng có tác động đến xung quanh, và xung quanh chắc chắn sẽ rung động nối tiếp, và đến một thời điểm thích hợp, chủ thể của gợi niệm đó sẽ đón nhận (bị hoặc được) cái phản - tác động đó trở ngược lại mình, nhân quả từ đó mà vận động, chẳng bao giờ sai được, chẳng thừa chẳng thiếu.

3 nhận xét:

  1. Mấy hôm nay tui cũng nghĩ về vấn đề này. "Cái sự nhún nhường trước cuộc sống" đôi khi không phải ho ho gì. Nhưng mà một hạt muối nhỏ không thể làm cho dòng sông trở nên nặm. Nên tui hiểu được tâm lý bị kìm hãm của bà. Như Nguyễn Ngọc Tư viết đó: "Kinh nghiệm cho thấy, khi không thấy ai chịu trách nhiệm thì mình lấy trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra tui xài từ "nhún nhường" dễ gây hiểu nhầm 1 tý, ý tui là việc tránh để cho những ích kỷ cá nhân áp chế sự khôn ngoan và lòng vị tha, tránh làm tổn thương nhau chỉ vì cái bản ngã quá lớn, chứ không phải "nhún nhường" tức là thấy điều ác, điều sai mà ko nói, hoặc bao che.

      Xóa
  2. Tui lại quýnh sai chữ nữa rồi. Ngón tay tui nhanh hơn não tui nên nó cứ vậy hoài. Thương mình thiệt chứ...

    Trả lờiXóa